Kiểm soát quyền lực là bước cụ thể hóa các Nghị quyết về xây dựng Đảng

(VOV5) - Đây là con đường cách mạng chân chính, tiến bộ, phù hợp với quy luật phát triển khách quan, đáp ứng được yêu cầu mong mỏi của nhân dân. 

Ngày 23/9/2019, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định này là phương thức, là giải pháp để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đặc biệt là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng Đảng.

Kiểm soát quyền lực là bước cụ thể hóa các Nghị quyết về xây dựng Đảng - ảnh 1Toàn cảnh Lễ khai mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII. - Ảnh: Đoàn Bắc/moha

Công cuộc đổi mới của Việt Nam đặt ra rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Những nhiệm vụ đó đòi hỏi Ðảng cộng sản Việt Nam phải không ngừng bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đường lối, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng. Nhà nước cũng phải hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị.

Mặt khác, cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, phải có đủ phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, uy tín và năng lực mới có thể hoàn thành trách nhiệm và quyền hạn được giao. Thực thi quyền lực và kiểm soát quyền lực một cách đúng đắn, không chỉ phòng ngừa tiêu cực, lạm quyền trong công tác cán bộ mà còn bảo đảm cho sự lãnh đạo, quản lý vận hành có hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn Việt Nam đang hội nhập sâu rộng toàn cầu.

Kiểm soát quyền lực là bước cụ thể hóa các Nghị quyết về xây dựng Đảng - ảnh 2 Ảnh minh họa: Internet

Kiểm soát quyền lực nhà nước đóng vai trò quan trọng và là tất yếu

Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, việc Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là hết sức cần thiết nhằm nâng cao năng lực của Đảng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Việc kiểm soát quyền lực xưa nay là điều cần làm với mọi Đảng cầm quyền và đúng với mọi nhà nước pháp quyền trên thế giới. Mặc dù còn có nhiều quan điểm khác nhau về phương pháp, cách thức, tính chất được quy định trong hệ thống pháp luật của các quốc gia, nhưng kiểm soát quyền lực nhà nước đóng vai trò quan trọng và là tất yếu đối với mọi quốc gia.

Thực tế là tình trạng lạm quyền, tha hóa quyền lực vẫn luôn tiềm ẩn và thường xuyên xảy ra ở mọi quốc gia và mọi thể chế chính trị. Do đó, không quốc gia nào muốn  phát triển nhanh, ổn định và bền vững mà không kiểm soát quyền lực nhà nước và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Điển hình như tại Hoa Kỳ, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng được thực hiện một cách toàn diện và tổng thể, bắt đầu từ những bước phòng ngừa và tăng cường giám sát. Chính phủ cũng có vai trò quan trọng trong việc đề xuất, soạn thảo và hướng dẫn thi hành luật như ở Việt Nam. Hay trong hệ thống chính trị ở Vương quốc Anh, kiểm soát quyền lực là phương thức tốt để đảm bảo chuẩn mực của nền dân chủ xã hội…

Như thế để thấy rằng, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, xa rời chuẩn mực của cán bộ, công chức là vấn đề được hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, quan tâm và luôn xây dựng thiết chế quy định và thực thi. 

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng

Rõ ràng là việc ban hành Quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là việc làm bình thường của Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam, như mọi quốc gia khác vẫn thực hiện. Đó là chưa kể đến điều kiện lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội và thực tiễn lịch sử dân tộc Việt Nam, theo đó con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của lịch sử, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của dân tộc Việt Nam.

Đây là con đường cách mạng chân chính, tiến bộ, phù hợp với quy luật phát triển khách quan, đáp ứng được yêu cầu mong mỏi của nhân dân. Trên con đường đó, Đảng cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc và nhân dân. Hiến định đã quy định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong Điều 4 - Hiến pháp 2013 là hiển nhiên, phù hợp với tư cách là một đảng chính trị cầm quyền và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Để đáp ứng yêu của thời kỳ cách mạng mới, Đảng cộng sản Việt Nam không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Việc ban hành Quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo hướng hoàn thiện, bổ sung, cụ thể hóa các Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, là hoạt động bình thường, cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác