Kiên trì thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Kiên trì thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô - ảnh 1
Ưu tiên chất lượng, hiệu quả các dự án trong thu hút vốn FDI. Ảnh : Hải Linh

(VOV5) - Theo đánh giá mới đây trong phiên họp thường kỳ tháng ba của Chính phủ Việt Nam, tình hình vĩ mô trong ba tháng đầu năm của Việt Nam đã dần ổn định và đã có những tín hiệu khả quan về kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, thực tế khách quan vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên  việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được đặt lên hàng đầu trong thời gian tới.

Năm 2012, đặc biệt trong nửa đầu năm, đã được cảnh báo từ trước như là một trong những năm khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, kết thúc tháng ba, bức tranh kinh tế Việt Nam đã có những điểm sáng đáng quý, cho thấy những tín hiệu khả quan nhất định về kiềm chế lạm phát. So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2012 đã tăng 1% và tháng 2/2012 tăng 1,37% – tức bằng mức cùng kỳ năm 2009, nhưng là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tính riêng trong tháng 3/2012, CPI chỉ tăng 0,16% là mức tăng thấp nhất trong vòng gần hai năm qua. Trong khi đó, nhập siêu cả nước vào khoảng 300 triệu USD, bằng 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Việc cải thiện cơ cấu chất lượng thu hút FDI cả về nguồn vốn và lĩnh vực thu hút FDI cũng khả quan hơn nhiều so với năm trước. Ngoài ra, những dấu hiệu cải thiện về tính thanh khoản ngân hàng và dự trữ ngoại hối cũng được ghi nhận. Trong hai tháng đầu năm 2012, theo Ngân hàng Nhà nước, dự trữ ngoại hối  đã tăng 20%, trong khi tỷ giá vẫn ổn định. Những tín hiệu về cải thiện thanh khoản trên thị trường ngân hàng được phản ánh đậm nét qua việc phát hành thành công trái phiếu Chính phủ trong 2 tháng đầu năm và lượng trái phiếu Chính phủ mà các tổ chức nắm giữ tăng hơn 10%. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam, ông Cao Viết Sinh trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN mới đây, nhìn nhận: “Chúng tôi thấy tình hình vĩ mô bắt đầu đi vào ổn định. Đặc biệt niềm tin của người dân vào đồng tiền Việt Nam đã tăng lên. Đó là điều rất quan trọng. Trong vòng 6 tháng, từ tháng 9 - 2011 đến tháng 2 - 2012, và ngay cả tháng 3 này cũng thể hiện được niềm tin của người dân vào đồng tiền Việt Nam. Bằng chứng là dù mặt bằng lãi suất đầu vào bắt đầu giảm xuống nhưng người dân vẫn tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng. Nhờ thế tính thanh khoản của một số ngân hàng đã tốt hơn”.


Thực tế những tháng đầu năm đang cho thấy, khả năng hiện thực hóa mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012 xuống một con số của Việt Nam được xác lập bởi những nhân tố tích cực, như: nhận thức và quyết tâm chính trị mới từ cấp cao nhất; sự nhất quán chính sách tài chính-tiền tệ linh hoạt và thận trọng, theo hướng tiếp tục thắt chặt, giảm bớt khối lượng và nâng cao hiệu quả đầu tư công; xúc tiến đổi mới mô hình và cơ chế phát triển; sự dồi dào của các nguồn hàng hóa và lao động; sự năng động và bản lĩnh thương trường của đội ngũ doanh nghiệp; vị thế quốc tế và lòng tin của thế giới đối với tiềm năng phát triển trung và dài hạn của Việt Nam ngày càng được củng cố. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong ba tháng đầu năm 2012, các chuyên gia kinh tế nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ ở mức 6-6,5%.

Tuy nhiên, hiện nền kinh tế Việt Nam vẫn gặp phải những khó khăn vì các doanh nghiệp công nghiệp bị thu hẹp đầu ra và hàng tồn kho còn cao, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa phải dừng sản xuất, ngừng hoạt động. Thêm nữa, những rủi ro vẫn có thể xảy ra trong tháng tới do áp lực tăng giá của các mặt hàng vẫn còn lớn và sự biến động của giá cả các mặt hàng trên thế giới cũng sẽ tác động đến Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam sẽ  tiếp tục theo dõi để điều phối chính sách cho thích hợp, đặc biệt là việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, tăng cường quản lý đầu tư vốn từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu… nhằm tiếp tục thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Về điều này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Cao Viết Sinh cho biết Chính phủ đã có chỉ thị 1792 về cơ cấu lại danh mục các dự án đầu tư công trong năm 2012 này: “ Lâu nay chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến tiến độ hoàn thành dự án, nên khi dự án kéo dài thì hiệu quả đầu tư chậm lại. Năm nay chúng ta yêu cầu dự án nào hoàn thành đúng quy định 3 năm nhóm C, 5 năm nhóm B thì mới được phép thực hiện. Dự án nào không có khả năng hoàn thành thì sẽ đình hoãn. Trước đây, quy định của Nhà nước là phân cấp tối đa cho Chủ tịch tỉnh và các Bộ trưởng phê duyệt quyết định đầu tư. Lần này, khi quyết định đầu tư, phải xin ý kiến các bộ, ngành, (ở đây là Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xem xét khả năng hỗ trợ vốn của Trung ương được bao nhiêu. Nếu Trung ương chỉ hỗ trợ được 20-30% tổng vốn đầu tư của dự án thì địa phương phải tự lo phần còn lại. Nếu địa phương cảm thấy không lo được thì đương nhiên họ sẽ không triển khai dự án”.


Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, theo yêu cầu của Chính phủ, trong thời gian tới, việc thực hiện lộ trình giảm lãi suất ở khu vực ngân hàng cần bảo đảm hài hòa tất cả các mặt lợi ích, nhất là cần bảo đảm hạ lãi suất cho vay trên thực tế, từ đó giúp doanh nghiệp bớt khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng. Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định việc xác lập trần lãi suất cho vay ở mức 15-16% và điều hành mềm dẻo có nguyên tắc để từng bước tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn các loại trần lãi suất là việc cần làm và làm tốt hơn trong hoạt động ngân hàng, đáp ứng yêu cầu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, duy trì động lực tăng trưởng, tái cấu trúc đi đôi với bình ổn kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong năm nay./.

Phản hồi

Các tin/bài khác