Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII với tinh thần đổi mới, dân chủ và hiệu quả

(VOV5) - Sau gần một  tháng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và khẩn trương của các vị đại biểu Quốc hội, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã bế mạc ngày 23/11. Quốc hội hoàn thành được một khối lượng lớn công việc, thông qua nhiều Luật, Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng liên quan đến mục tiêu, định hướng cũng như lộ trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại của đất nước thời gian tới. Kỳ họp Quốc hội lần này thể hiện rõ tinh thần đổi mới, dân chủ và hiệu quả.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII  với tinh thần đổi mới, dân chủ và hiệu quả    - ảnh 1
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết. Ảnh minh họa

Hiệu quả công việc của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thấy rõ khi Quốc hội thông qua được 9 dự án luật, một khối lượng dự án Luật khá lớn được thông qua so với các kỳ họp trước. Trong đó, có những dự án Luật liên quan thiết thực tới đời sống kinh tế-xã hội như Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân. 2 Nghị quyết quan trọng cũng được thông qua là Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ngoài ra, Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến về 6 dự án luật khác để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện thông qua tại các kỳ họp sau. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kỳ họp Quốc hội lần này thành công trên nhiều phương diện.“Không khí nghị trường vừa qua rất thẳng thắn, ngày càng thể hiện sự dân chủ. Những ý kiến của các đại biểu Quốc hội mang tính xây dựng, mong muốn làm sao cho việc điều hành của Chính phủ tốt hơn. Kỳ này, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đây chính là cơ sở cho việc giám sát các thành viên được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, buộc họ phải nâng cao trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân. Tôi cho đây là cái mới, rất tốt.”

Một trong những đổi mới của kỳ họp Quốc hội lần này là việc Chính phủ có báo cáo tổng hợp trước Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3, quốc hội khoá 13. Đây là lần đầu tiên Chính phủ có báo cáo cụ thể về việc thực hiện các nội dung mà các thành viên Chính phủ đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước. Trong báo cáo trước Quốc hội về vấn đề này, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nói rõ các việc Chính phủ đã làm được và những việc chưa làm được để đại biểu và cử tri được biết, qua đó phát huy những mặt mạnh, đồng thời khắc phục những nhược điểm trong hoạt động điều hành bủa bộ máy Chính phủ.  

Nếu như các kỳ họp trước đây, báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng thường chỉ được gửi đến vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu thì tại kỳ họp này, Chính phủ đã báo cáo công tác phòng chống tham nhũng 2012 trước Quốc hội ngay trong ngày khai mạc kỳ họp. Cử tri cả nước đánh giá cao sự đổi mới này, góp phần tạo chuyển biến tích cực hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến lần đầu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sau khi lấy ý kiến nhân dân, dự thảo sửa đổi Hiến pháp này sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 vào tháng 10/2013. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh bản Hiến pháp khi được chỉnh sửa, hoàn chỉnh sẽ giúp cho bộ máy hành chính Nhà nước hoạt động hiệu quả cao, thể hiện tính ưu việt của Chủ nghĩa Xã hội.“Sửa đổi Hiến pháp lần này để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Hiến pháp sửa đổi khẳng định nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sửa đổi lần này phát huy đầy đủ và đề cao hơn nhân tố con người, khẳng định Nhà nước luôn tôn trọng bảo đảm quyền cơ bản con người, quyền công dân, chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do của mỗi người.”

Công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp lần này cũng được cải tiến một bước. Số lượng các phiên họp của Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp là 13 buổi (tức là bằng 1/2 số ngày làm việc của cả kỳ họp và tăng 5 buổi so với kỳ họp trước). Đặc biệt, Quốc hội dành nhiều thời gian bàn phương hướng phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới và thông qua những chỉ tiêu cơ bản của năm 2013 là: tăng trưởng GDP tăng 5,5%, chỉ số giá tiêu dùng giữ ở mức 7 - 8%, tạo việc làm cho gần 1,6 triệu lao động…

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, các đại biểu Quốc hội thực sự phát huy tinh thần dân chủ, trí tuệ, có nhiều ý kiến đóng góp chất lượng vào các nội dung lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Kỳ họp thể hiện quyết tâm đổi mới hoạt động của Quốc hội mà cử tri và nhân dân cả nước kỳ vọng, qua đó, góp phần đưa đất nước tiến lên, thực hiện thành công công cuộc Đổi mới, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác