(VOV5) - Việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trên được xem là sự ủng hộ kêu gọi của Tổng thống Donald Trump về việc tăng cường sức mạnh cho quân đội.
Ngày 13/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật chi tiêu quốc phòng năm 2019 (NDAA). Ông Trump đánh giá đây là sự đầu tư quan trọng trong lịch sử hiện đại của quân đội Hoa Kỳ. Đáng chú ý, luật thể hiện lập trường đối trọng với Trung Quốc nhiều hơn các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, ít ra là trên phương diện chiến lược.
Trước khi được Tổng thống Mỹ ký ban hành, luật chi tiêu quốc phòng năm tài khóa 2019 đã được Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua hồi cuối tháng 7 và đầu tháng 8, với sự đồng thuận cao. Việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trên được xem là sự ủng hộ kêu gọi của Tổng thống Donald Trump về việc tăng cường sức mạnh cho quân đội.
Đầu tư lớn cho quân đội Mỹ
Luật cho phép chi tiêu quốc phòng Hoa Kỳ ở mức 716 tỷ USD trong tài khóa 2019. Trong số này, chính quyền sẽ chi 69 tỉ USD tài trợ cho các hoạt động chi tiêu ở nước ngoài và gần 22 tỉ USD cho chương trình vũ khí hạt nhân. NDAA cũng đề xuất chi 1 khoản tiền tương đối để mua 77 chiến đấu cơ tàng hình F-35, chương trình vũ khí tốn kém nhất của Lầu Năm Góc. Khoảng 24 tỉ USD sẽ dành cho việc đóng các chiến hạm mới và xúc tiến tài trợ cho nhiều chiến hạm trong tương lai, trong đó có tàu sân bay lớp Ford thứ tư và 1 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Columbia.
Ngoài ra, NDAA cũng liệt kê kinh phí dự kiến cho việc mua sắm nhiều khí tài quân sự khác cũng như chương trình phát triển những vũ khí mới như máy bay ném bom tàng hình tầm xa B-21, việc tích hợp hai hệ thống phòng thủ tên lửa là Patriot và THAAD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019. Ảnh: AP |
Việc luật chi tiêu quốc phòng Hoa Kỳ năm 2019 được ký thông qua cho thấy sau nhiều năm cắt giảm ngân sách, Hoa Kỳ đang xây dựng lại quân đội ở mức chưa từng có. Chính điều này được Tổng thống Trump thừa nhận là sự đầu tư quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của quân đội Mỹ, giúp tăng cường sức mạnh chưa từng có và quân đội sẽ có được những máy bay, tàu chiến, xe tăng và tên lửa tốt nhất.
Mục đích và phản ứng từ bên ngoài
Song song với việc tăng cường đầu tư cho quân đội Mỹ, Luật chi tiêu quốc phòng năm tài khóa 2019 cũng khẳng định thách thức trung tâm đối với thịnh vượng và an ninh của Mỹ là sự tái xuất hiện của cạnh tranh chiến lược dài hạn, trong đó Mỹ phải hành động nhiều hơn để cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. Vì vậy cùng với những biện pháp đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong những tháng gần đây, NDAA của Mỹ cho năm tài khóa 2019 đã có những lời lẽ mạnh mẽ đối với quốc gia Đông bắc Á này. NDAA cho phép cung cấp tài chính cho 14 hành động để ngăn cản Trung Quốc, trong đó có việc hỗ trợ sáng kiến ổn định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; nâng cấp Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á cũ để bao trùm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương...
Ngoài ra, dự luật chi tiêu quốc phòng cho năm tài khóa 2019 cũng tăng cường quyền hạn của Ủy ban Đầu tư nước ngoài vào Mỹ. Ủy ban này giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc và giờ đây ủy ban được giao việc đánh giá tác động của các khoản đầu tư này đến lợi ích an ninh quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, nếu so với dự thảo ban đầu, Luật được coi là đã giảm bớt các biện pháp kiểm soát hoạt động của hai công ty công nghệ Trung Quốc là ZTE Corp và Huawei Technologies Co Ltd.
Ngay từ khi dự luật được thông qua ở Quốc hội Mỹ, Bắc Kinh đã chỉ trích động thái này và kêu gọi Washington từ bỏ "tư duy chiến tranh lạnh lỗi thời, kẻ thắng người thua". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sáng từng nhấn mạnh Mỹ đang liều lĩnh "hủy hoại quan hệ và hợp tác song phương".
Dự luật chi tiêu quốc phòng Mỹ cho năm tài khóa 2019 thể hiện cam kết của chính quyền Tổng thống Donal Trump về việc duy trì một nền tảng công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ và kiên định. Tuy nhiên nó cũng đang và sẽ gây ra những lo ngại cho cộng đồng quốc tế.