Một cách nhìn phiến diện về nhân quyền Việt Nam

(VOV5)- Một số nghị sỹ châu Âu vừa gửi thư đến bà Catherine Ashton, đại diện cao cấp phụ trách an ninh, đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Uỷ hội châu Âu với những lưu ý về quyền con người tại Việt Nam. Điều đáng nói là cái gọi là “thực trạng nhân quyền ngày càng xấu đi tại Việt Nam” mà các nghị sỹ châu Âu nêu trong thư là những quan ngại thiếu cơ sở, phi thực tế vì lâu nay, Việt Nam luôn nỗ lực đảm bảo các quyền của con người theo đúng các công ước quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia.

Một cách nhìn phiến diện về nhân quyền Việt Nam - ảnh 1

Một số nhà mang danh lập pháp ở một số quốc gia châu Âu cho rằng tại Việt Nam đang “chứng kiến một sự đổ vỡ về pháp trị” với việc sử dụng các cáo buộc mơ hồ về tội “lật đổ chính quyền” và “tuyên truyền chống Nhà nước” để bắt giam các nhà cổ xuý nhân quyền, giam người không cần xét xử và dùng các tội danh như “trốn thuế” để bỏ tù các nhân vật bất đồng chính kiến. Họ yêu cầu Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) kêu gọi Việt Nam phóng thích các tù nhân chính trị tại Việt Nam như Blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ… Họ còn viết: “ mặc dù đã có nhiều lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế, Việt Nam vẫn tiếp tục giới hạn quyền tự do ngôn luận và kiểm duyệt mạng, ngăn chặn không cho truy cập vào các trang mạng và hỗ trợ cho việc tấn công vào các trang mạng tiếng Việt hoạt động bên ngoài lãnh thổ Việt Nam”.

Những cáo buộc rằng nhân quyền Việt Nam ngày càng xấu đi của một số nghị sỹ này là hoàn toàn phi thực tế. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo tất cả các quyền con người theo đúng các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền. Hiến pháp Việt Nam đã ghi rõ “các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng… và được quy định trong Hiến pháp và pháp luật”. Trên thực tế, mọi quyền của  công dân Việt Nam, trong đó có quyền làm chủ, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tôn giáo... đều được Nhà nước Việt Nam bảo đảm. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, đáng tự hào trong việc đảm bảo quyền con người trên tất cả các lĩnh vực từ dân sự đến chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội. Đó là những thành tựu không thể phủ nhận trong việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo, nâng cao mức sống mọi mặt cho người dân, thực hiện hiệu quả các công ước về bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em và các chỉ số phát triển con người. Chính vì vậy, Báo cáo Phát triển con người năm 2013, của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố hôm 3-7-2013, đánh giá Việt Nam là nước đầu tiên trong số hơn 40 quốc gia đang phát triển đạt được những tiến bộ hơn cả mong đợi về phát triển con người trong những thập kỷ gần đây. Trước đó, trong một báo cáo công bố hồi đầu tháng 4 - 2013 của UNDP, Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong ASEAN về chỉ số bình đẳng giới, đồng thời đứng thứ 48 trên toàn thế giới về chỉ số này.  Nếu các nghị sỹ này cho rằng nhân quyền Việt Nam đang xấu đi, bất chấp những khẳng định còn chưa ráo mực trong các báo cáo Phát triển con người năm 2013 của UNDP, phải chăng họ đang áp dụng những tiêu chuẩn “đặc biệt” về nhân quyền đối với Việt Nam? Điều đáng bàn là việc các vị nghị sỹ này tự cho mình cái quyền vượt lên trên cả phạm vi lập pháp tại quốc gia của họ để khuyến cáo Quốc hội Châu Âu phải tăng cường vấn đề nhân quyền vào các cuộc đối thoại với Việt Nam, buộc Việt Nam phải chứng tỏ tiến bộ nhân quyền!

Thực tế là ở Việt Nam không hề có cái gọi là “ tù nhân lương tâm” hay “ tù nhân chính trị” mà chỉ có những người vi phạm pháp luật, được xét xử công khai và thi hành bản án theo đúng quy định của pháp luật mà thôi. Những trường hợp mà họ đề cập đã được toà án Việt Nam tuyên phạt bằng các tội danh cụ thể, không phải là “các nhà bất đồng chính kiến”, hoặc các “nhà hoạt động chính trị”. Việc toà án Việt Nam tuyên phạt các đối tượng này là hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam, phù hợp với các cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và hoàn toàn không vi phạm luật pháp quốc tế. Trên thế giới, bất cứ một chính thể nào khi thực thi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo nhân quyền cho công dân quốc gia đó đều phải đối mặt với những vụ việc cụ thể. Để thực thi pháp luật, các cơ quan chức năng của mỗi quốc gia đều phải xử lý những đối tượng vi phạm theo đúng luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế. Việt Nam và cả các quốc gia trong Liên minh châu Âu cũng không ngoại lệ.

Thực tế là giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu đang tồn tại những cách biệt về nhân quyền do sự khác biệt về văn hoá, về truyền thống lịch sử, trình độ phát triển… Việc thực thi nhân quyền phải dựa trên những đặc thù lịch sử, văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, điều kiện kinh tế xã hội ở mỗi nước. Trên bình diện quốc tế và xét ở góc độ chủ quyền của mỗi nước, điều hiển nhiên là không một quốc gia nào có thể là hình mẫu về nhân quyền cho các quốc gia khác. Vì vậy, phiến diện khi nhìn nhận vấn đề nhân quyền ở Việt Nam là việc làm sai trái. Và áp đặt tiêu chuẩn nhân quyền của một số nước thuộc EU đối với Việt Nam là can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Những việc làm này không có lợi, không giúp gì cho tiến trình tăng cường đối thoại để hiểu biết về vấn đề nhân quyền mà Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã và đang tiến hành từ trước tới nay./.

Phản hồi

Các tin/bài khác