(VOV5) - Cả Nga và Ukraine đang thể hiện lập trường khác biệt trong nhiều vấn đề.
5h55 phút sáng ngày 24/2/2022, chỉ 2 ngày sau khi Nga công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Lugansk và Donetsk, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. 365 ngày qua kể từ khi tiếng súng đầu tiên vang lên ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, cuộc xung đột này vẫn tiếp diễn, không chỉ khiến hai bên chịu thiệt hại lớn về người và của mà còn làm rung chuyển trật tự địa chính trị, kinh tế toàn cầu. Điều đáng nói là dấu hiệu về một lối thoát cho cuộc xung đột vẫn chưa hiện hữu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: Reuters |
Trong bài phát biểu trực tiếp ngày 24/2/2022 trước khi mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở miền Đông Ukraine, nhằm đáp lại lời đề nghị hỗ trợ bảo đảm an ninh của lãnh đạo hai nước Cộng hòa tự xưng Donestsk (DPR) và Lugansk (LPR), Tổng thống Putin nhấn mạnh chiến dịch quân sự của Nga là hành động tự vệ, Nga không chiếm Ukraine, mà sẽ "phi phát xít hóa", "phi quân sự hóa" quốc gia Đông Âu này. Từ thời điểm đó, xung đột Nga – Ukraine, cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ 2, chính thức bắt đầu và kéo dài đến nay với nhiều diễn biến leo thang.
Những tổn thất nặng nề
Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hiện nay vốn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân “âm ỉ” từ lâu. Từ sự kiện Maidan (cuộc chính biến tháng 2/2014), việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea dẫn đến sự hình thành của hai nhà nước tự xưng Lugansk và Donetsk, đến việc Ukraine xin gia nhập liên minh quân sự Hiệp ước bắc Đại Tây Dương (NATO)…, tất cả đã đưa căng thẳng hai bên đi đến ngưỡng “đỉnh điểm”.
1 năm qua, từ phạm vi ban đầu là vùng Donbass, Nga đã mở rộng mục tiêu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sang miền nam và các khu vực khác, trong đó có cả thủ đô Kiev. Xung đột đã để lại những hậu quả nặng nề, không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của hai quốc gia Nga và Ukraine, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng khi nguồn cung từ hai vựa lúa mỳ, ngũ cốc lớn sụt giảm; gián đoạn nguồn cung nhiên liệu liên quan đến các biện pháp trừng phạt và đáp trả lẫn nhau giữa Moscow và phương Tây khiến châu Âu trải qua một mùa Đông lạnh lẽo, đẩy giá năng lượng toàn cầu tăng cao, liên tục đưa lạm phát ở nhiều nước lên những mức kỷ lục, kéo theo nguy cơ bất ổn xã hội. Xung đột cũng gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn chưa từng có tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Số liệu do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) công bố vào tháng 1/2023 cho thấy hơn 18.000 người thiệt mạng, 7,9 triệu người phải sơ tán sang các nước châu Âu và 21,8 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo.
Nhiều diễn biến nguy hiểm
Trong khi xung đột chưa tìm ra lối thoát thì hai tháng đầu năm 2023, những diễn biến mới khiến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài 1 năm qua càng trở nên xa vời.
Quân nhân Ukraine lái xe tăng gần thành phố tiền tuyến Bakhmut trong tỉnh Donetsk ở miền đông ngày 21/2/2023 - Ảnh: Reuters |
Các nước phương Tây gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine. Các cuộc họp của Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều đưa ra những cam kết đẩy mạnh cung cấp khí tài, đạn dược, cam kết triển khai xe tăng hỗ trợ cho Kiev trên thực địa. EU cũng đã bàn tới gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Moscow liên quan đến cuộc xung đột dai dẳng tại Ukraine. Trong khi đó, phía Nga tuyên bố coi vũ khí của phương Tây ở Ukraine là mục tiêu tấn công. Tổng thống Zelensky trong một tuyên bố gần đây khẳng định mục tiêu của Kiev không chỉ là ngăn cản các cuộc tấn công mới của Nga mà còn giành lại toàn bộ phần lãnh thổ đã bị Moscow kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea. Để làm được điều này, Ukraine kêu gọi đồng minh phương Tây viện trợ nhiều hơn và nhanh hơn nữa, cho phép Kiev đạt được lợi thế trên chiến trường.
Cánh cửa hòa bình vẫn khép
"Lên án", "kêu gọi", "hối thúc"... là những từ xuất hiện thường xuyên trong 12 tháng qua khi các bên mong Nga và Ukraine dừng cuộc chiến, nhưng vẫn chẳng thể khiến các bên hạ súng trên chiến trường. Rồi tới một loạt đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga cũng chẳng thể tìm ra lối thoát cho cuộc chiến này. Trong 1 năm qua, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh đã tung ra khoảng 11.000 lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, tác động chủ yếu theo 5 cách, gồm: tài chính, thương mại, công nghệ, năng lượng và giới tinh hoa Nga, đưa Nga trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử phải hứng chịu số lệnh trừng phạt cao kỷ lục.
Trước các diễn biến hiện nay, các nhà phân tích nhìn chung đều nhận định một thỏa thuận ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine dường như khó đạt được trong tương lai gần. Cả Nga và Ukraine đang thể hiện lập trường khác biệt trong nhiều vấn đề. Mỹ và một số nước châu Âu, mặc dù cũng có những dấu hiệu tìm cách thúc đẩy đối thoại, song việc liên tục chuyển giao vũ khí tấn công cho Ukraine và siết chặt trừng phạt Nga càng đẩy cuộc xung đột đi vào bế tắc.
Tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23/2 ở New York, Mỹ, Chủ tịch Đại hội đồng Csaba Kőrösi cảnh báo nguy cơ leo thang xung đột vẫn hiện hữu và triển vọng hòa bình đang giảm dần. Thúc đẩy đối thoại để mở cánh cửa hòa bình, chấm dứt cuộc xung đột là ưu tiên số một hiện nay.