Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4: Từ văn bản đến thực tiễn

(VOV5)- Công tác tự phê bình và phê bình đối với các tập thể và cá nhân Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thực hiện từ tháng 7/2012, được triển khai bắt đầu từ ban lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản là Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Sau một thời gian ngắn đưa vào thực tiễn, công tác phê bình và tự phê bình đã được quán triệt và bước đầu phát huy hiệu quả. Kết quả đó chẳng những khẳng định tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thật sự nêu gương cho cấp dưới mà còn giúp cho các cấp ủy đảng nhiều kinh nghiệm quý trong việc chuẩn bị và tiến hành thực hiện tự phê bình và phê bình trong Ðảng trong thời gian tới.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4: Từ văn bản đến thực tiễn - ảnh 1
Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam - Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bàn về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã khẳng định “chỉnh Đảng phải có trọng tâm, chỉnh đốn tư tưởng rồi mới chỉnh đốn tổ chức. Chỉnh huấn cán bộ rồi mới chỉnh huấn toàn bộ đảng viên”. Công tác xây dựng Đảng trên tinh thần phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được đánh giá là đã thực hiện đúng chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhất là khi đất nước có nhiều đổi mới, đang trên đà phát triển và hội nhập, công tác xây dựng Đảng càng có ý nghĩa quan trọng. Đây là nhân tố đảm bảo thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Nhân dân, cán bộ, đảng viên mong đợi sự công khai, minh bạch tự phê bình và phê bình của cấp ủy Đảng, nhất là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tập trung quan tâm vào những vấn đề bức xúc như: Vai trò lãnh đạo của Đảng trong giải quyết các vấn đề xã hội như tệ nạn xã hội gia tăng, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng; trong kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác quản lý nhà nước, khi còn những đặc quyền, đặc lợi mầm mống phát sinh, tham nhũng, hối lộ. Đối tượng lãnh đạo quan trọng số một của Đảng trong hệ thống chính trị là Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, có tác động tới toàn bộ đời sống của nhân dân.

Ông Nguyễn Xuân Lai, cựu chiến binh thành phố Cần Thơ, nêu ý kiến:
“Theo dõi phần kiểm điểm của Ban bí thư, Bộ Chính trị thấy công bố rồi thì rất phấn khởi vì lần này làm rất kiên quyết, chặc chẽ. Chỉ đạo này không chỉ Ban bí thư, Bộ Chính trị mà trực tiếp đến các cấp lãnh đạo trong thực hiện Nghị quyết Trung ương có điểm mới nữa là mạnh dạn phê bình và tự phê bình để khắc phục thiếu sót. Trong tình hình hiện nay nếu không có sự kiểm điểm, phê bình và tự phê bình có thể có những phức tạp về sau. Cho nên, Đảng ta chủ động như vậy, về phía đảng viên tôi rất phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.”

Công khai, minh bạch sau tự phê bình và phê bình và là mong đợi của nhân dân, là biểu hiện đẹp của cấp ủy đảng, để nhân dân biết phê bình và tự phê bình đã chỉ ra đúng những ưu, khuyết sự lãnh đạo của các cấp ủy, đặc biệt là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đảng cần phê bình và tự phê bình như Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí, cũng như người có bệnh, nếu giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh lâu ngày nặng thêm, nguy hiểm đến tính mạng” và cần công khai kết quả, quyết tâm sửa chữa: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Anh Trần Hoàng Long, thanh niên thôn 4, xã Ea Tiêu, huyện Chư Quynh, tỉnh Đắk Lắk, bày tỏ:
“Tôi thấy đợt này Đảng ta triển khai thực hiện Nghị quyết 04 là rất hợp với lòng dân. Tôi rất kỳ vọng là nội dung Nghị quyết Trung ương 4 triển khai thực hiện thông suốt và hiệu quả. Bởi như Tổng Bí thư nói, việc chấn chỉnh Đảng hiện nay là rất cấp bách và mang tính sống còn, cho nên chúng tôi mong việc triển khai là thật đồng bộ, thông suốt nghiêm túc từ trên xuống dưới. Mong muốn của tôi là mọi cán bộ, đảng viên phải thực sự nghiêm túc thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết, thật nghiêm khắc phê bình và tự phê bình, có như thế mới mang lại hiệu quả thiết thực và càng tăng niềm tin của dân vào Đảng.”

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình được xem là nguyên tắc, quy luật phát triển Đảng, là biện pháp tốt nhất để củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Không những vậy, phê bình và tự phê bình công khai còn là cách để các cấp lãnh đạo củng cố lòng tin trước người dân. Ông Nguyễn Thanh Giản, trú đường Ông Ích Khiêm, quận 11, cho rằng: “Theo tôi trong bất cứ tập thể nào, phê và tự phê là một điều kiện cần thiết để cùng nhau tiến bộ. Mới đây, Bộ Chính trị phát động phê và tự phê trong toàn Đảng rất kịp thời và đúng lúc khi đất nước ta gặp nhiều khó khăn. Song song đó cũng nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng trước thách thức mới. Theo tôi mỗi cá nhân phải nỗ lực cố gắng nghiêm túc phê và tự phê đúng thực chất, để góp phần phát triển Đảng ta nói riêng và đất nước nói chung.”

Tự phê bình và phê bình không những là công việc thường xuyên; là phương thức lãnh đạo của Đảng, mà còn mang ý nghĩa quyết định đến hiệu quả, chất lượng atrong công tác lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Triển khai phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân chính là điều kiện thuận lợi để Đảng, Nhà nước thực hiện những quyết sách quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước./.

Phản hồi

Các tin/bài khác