Những bất ngờ trong cuộc đua vào điện Elysée

(VOV5)- Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đang bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ diễn ra vòng bỏ phiếu đầu tiên. Mặc dù các ứng cử viên chính thức của các phe phái đã lộ diện song kết quả cuộc đua vào Điện Elysée vẫn khó đoán định khi xảy ra nhiều yếu tố bất ngờ, làm thay đổi liên tục cục diện tranh cử.       

                         
Những bất ngờ trong cuộc đua vào điện Elysée - ảnh 1
Ứng cử viên Emmanuel Macron tại cuộc vận động tranh cử ở Lyon ngày 4/1. EPA/TTXVN

Dự kiến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp theo hình thức phổ thông đầu phiếu sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 tới (cuộc bỏ phiếu vòng 1 dự kiến vào ngày 23/4; vòng bỏ phiếu thứ 2 diễn ra vào 7/5). Hiện các ứng cử viên chính trong cuộc đua vào Điện Elysee đã lộ diện, gồm cựu Thủ tướng François Fillon đại diện cánh hữu; cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp Benoît Hamon, đại diện phe cánh tả; bà Marine Le Pen đại diện phe cực hữu và ứng cử viên trung dung cựu Bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron.

Bất ngờ nối  tiếp bất ngờ

Cách đây vài tháng, giới phân tích cho rằng bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 sẽ là cuộc đối đầu giữa ứng cử viên cánh hữu, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy với đối thủ thuộc đảng Xã hội (PS), Tổng thống sắp mãn nhiệm François Hollande. Tuy nhiên, bất ngờ đầu tiên đã xuất hiện khi cựu Thủ tướng François Fillon, một nhân vật luôn bị xếp sau trong các cuộc thăm dò dư luận, đã bứt phá ngoạn mục để trở thành đại diện của phe cánh hữu ra tranh cử Tổng thống. Trong khi đó, bên cánh tả, sau khi Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande của đảng PS cầm quyền quyết định không tái tranh cử, cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon thuộc PS, một nhân vật được xem là "khá mờ nhạt," cũng chiến thắng cựu Thủ tướng Manuel Valls, để trở thành ứng cử viên cánh tả trong cuộc đua vào điện Elysée. Hai bất ngờ liên tiếp trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở cả cánh hữu và cánh tả đã báo hiệu một tiến trình bầu cử nhiều kịch tính tại Pháp.


Trong bối cảnh cánh tả vừa chia rẽ và vừa suy yếu, giới phân tích nhận định ứng cử viên lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017 có thể là đại diện của cánh hữu François Fillon và đại diện của phe cực hữu là bà Marine Le Pen. Thậm chí, ông Fillon được đánh giá là nhiều khả năng sẽ đắc cử Tổng thống. Tuy nhiên, mới đây, mọi chuyện đã bị đảo lộn sau khi báo chí Pháp phanh phui nghi vấn ông gian lận trong thuê và trả lương cho vợ và hai con, trong thời gian còn làm Thượng nghị sỹ nhiều năm trước. Vì thế, từ một ứng cử viên sáng giá, tỷ lệ ủng hộ ông Fillon, đã giảm mạnh xuống chỉ còn 20%, thấp hơn cả ứng cử viên phe cực hữu Marine Le Pen (27%) và ứng cử viên tự do là cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron (23%).


Kết quả khó đoán định

Trước diễn biến trên, trong giai đoạn nước rút này, các ứng viên ra sức gây ảnh hưởng để ghi điểm trước cử tri. Ngày 4/2, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen khởi động chiến dịch tranh cử với cam kết về một nước Pháp "tự do.". Bà Le Pen tuyên bố mục tiêu của chiến dịch tranh cử là "trả lại tự do cho nước Pháp và tiếng nói cho người dân Pháp." Trong các cam kết đưa ra, nữ chính trị gia đề xuất nước Pháp rời khỏi Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), áp thuế đối với các hợp đồng lao động của người nước ngoài, giảm tuổi nghỉ hưu và tăng một số phúc lợi trong khi giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và thuế thu nhập. Bên cạnh đó là giới hạn một số quyền lợi như chỉ công dân Pháp mới được hưởng quyền giáo dục miễn phí; hạn chế người nhập cư...Tuy nhiên, chương trình tranh cử trên lại thiếu các nội dung chi tiết về kinh tế vĩ mô, không đặt ra mục tiêu nợ công hay thâm hụt ngân sách cũng như không đưa ra được hướng đi thuyết phục về làm cách nào để cân bằng giữa 2 nội dung cải thiện phúc lợi và cắt giảm thuế. Hơn nữa, bà Le Pen cũng đang bị cáo buộc "tạo việc làm giả" ở Nghị viện châu Âu (EP), nơi bà là nghị sỹ. EP đã yêu cầu lãnh đạo Mặt trận Quốc gia trả lại số tiền hơn 300.000 euro mà bà được cấp và sử dụng để trả lương hai trợ lý, nhưng hai người này không làm việc cho EP, mà là cho đảng của bà.


Trong khi đó, cho dù tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng và không từ bỏ cuộc đua, cơ hội đắc cử của cựu Thủ tướng Fillon hiện khá mong manh. Giới phân tích nhận định rằng kể cả khi tiếp tục được cánh hữu hậu thuẫn để duy trì cuộc đua vào điện Elysée thì khả năng lấy lại ưu thế dẫn đầu của ông Francois Fillon là điều không dễ thực hiện khi hình ảnh của ông bị tổn hại sau nghi vấn bê bối công quỹ trên.


Bất lợi cũng đang bủa vây ứng cử viên cánh tả Benoît Hamon. Chỉ số tăng trưởng kinh tế không bền vững, tình trạng an ninh bất ổn của Pháp sau hơn 4 năm cầm quyền của PS, cùng với những chia rẽ nội bộ sâu sắc giữa PS với các đồng minh cánh tả truyền thống cũng đang trở thành yếu tố không thuận cho ứng cử viên Benoît Hamon.


Trong bối cảnh trên, với nhiều nhà quan sát trung lập ẩn số lớn nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 này là Emmanuel Macron, vị cựu Bộ trưởng kinh tế 39 tuổi. Ông Emmanuel Macron từng định vị mình như một ứng cử viên “không tả, không hữu” nhưng lại đang tìm cách lôi kéo cử tri của cả 2 bên.


Tuy nhiên, tất cả vẫn là những ẩn số bởi các cuộc thăm dò dư luận chưa chắc đã phản ánh chính xác kết quả bầu cử, nhất là sau sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và chiến thắng của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Vì vậy, với những bất ngờ liên tiếp xảy ra, cuộc đua vào điện Elysée hứa hẹn còn nhiều gay cấn.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác