Nigéria: Khủng hoảng kép

(VOV5) Nigéria đang trải qua giai đoạn thực sự khó khăn khi xung đột sắc tộc – tôn giáo đang trở nên ngày càng sâu sắc, trong khi đó các cuộc biểu tình phản đối quyết định tăng giá nhiên liệu của chính phủ cũng đang lan rộng. Bất ổn xã hội và nguy cơ nội chiến là những từ mà báo chí nói về Nigeria những ngày qua. 

Nigéria: Khủng hoảng kép - ảnh 1

Ảnh: Internet

Các cuộc biểu tình nổ ra ngay sau khi cơ quan điều tiết giá các sản phẩm hóa dầu của chính phủ Nigeria ngày 1/1/2012 công bố quyết định chấm dứt trợ giá nhiên liệu, khiến giá xăng tăng vọt từ 65 niara/lít lên 140 niara/lít (tương đương 0,96 USD).

Mặc dù là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu lục này, là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và có nhiều dầu thô để xuất khẩu, nhưng Nigéria vẫn phải chi những khoản ngoại tệ lớn để nhập nhiên liệu. Theo các quan chức chính phủ, trong năm 2011 vừa qua, nước này đã chi tới 8 tỉ USD cho trợ giá nhiên liệu. Việc thôi trợ giá nhiên liệu là để có vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước này, hiện trong tình trạng rất tồi tệ, đồng thời giúp giảm bớt sức ép đối với dự trữ ngoại tệ.

Thế nhưng, với người dân nước này trong đó đa số đang sống với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày, việc hủy bỏ trợ giá nhiên liệu đã cắt đi nguồn lợi duy nhất mà họ được hưởng từ chính phủ. Bởi vậy, các cuộc biểu tình phản đối quyết định hủy trợ giá nhiên liệu của chính phủ đã kéo dài đến nay là hơn 10 ngày và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Những người biểu tình cho rằng quyết định của chính phủ có lợi cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu, trong khi làm tăng vọt chi phí giao thông vận tải khiến cuộc sống của đa số người dân thêm khốn khó.

Trong ngày 9/1, xung đột đã xảy ra giữa những người biểu tình và cảnh sát tại một số thành phố làm hàng chục người chết và bị thương, trong đó tình hình nghiêm trọng nhất là tại thành phố Kano-thành phố lớn nhất miền Bắc Nigeria. Đặc biệt, cuộc tổng đình công 2 ngày 9,10/1 đã khiến quốc gia Tây Phi này gần như "bị tê liệt" vì tất cả các sân bay nội địa, các trạm bán xăng, các ngân hàng đều đóng cửa, đường phố ở các thành phố vắng vẻ khác thường và chỉ có tiếng hô của những đoàn người đi biểu tình.

Trong khi đó, xung đột sắc tộc-tôn giáo cũng đang diễn ra gay gắt tại quốc gia đông dân nhất châu Phi này. Nigeria là quốc gia đông dân nhất châu Phi. Hầu hết những người theo đạo Hồi sống tại miền Bắc, trong khi những người theo đạo Cơ đốc sống ở miền Nam. Lực lượng Hồi giáo cực đoan Boko Haram-tác giả của các vụ bạo lực đẫm máu nhằm vào các tín đồ Thiên chúa giáo ở miền Bắc Nigeria trong thời gian qua-đã ra tối hậu thư buộc những người theo đạo Cơ đốc ở miền Bắc phải chuyển đến miền Nam sinh sống. Chính lực lượng này đã tiến hành một loạt vụ đánh bom liều chết trên khắp Nigeria vào dịp giáng sinh vừa qua, làm ít nhất 37 người thiệt mạng và 57 người khác bị thương. Tối 4/1, miền Bắc Nigeria lại rung chuyển vì 3 vụ đánh bom liên hoàn bất chấp lệnh tình trạng khẩn cấp đã được Tổng thống Goodluck Jonathan ban bố.

Vất vả đối phó với hàng loạt vụ tấn công đẫm máu của phiến quân Hồi giáo Boko Haram mà chẳng có kết quả, nay lại phải tìm cách giải quyết các cuộc biểu tình, đình công, khiến cho chính phủ của Tổng thống Goodluck Jonathan gần như rơi vào khủng hoảng. Nigéria đang trải qua giai đoạn thực sự khó khăn.

Còn nhớ, tại đất nước Bắc Phi là Tunisia, việc người bán hàng rong Mohamed el-Bouzazi tự thiêu ngày 17/12/2010 để phản đối sự ngược đãi của quan chức địa phương, đã thổi bùng lên các cuộc xuống đường phản đối chính phủ, đòi cải thiện đời sống, rồi sau đó lan sang các nước khác để trở thành phong trào “Mùa xuân Arập” đòi dân chủ và thay đổi chế độ tại một loạt các quốc gia khác ở Trung Đông, Bắc Phi. Một đốm lửa nhỏ “biểu tình để phạn đối việc huỷ trợ giá nhiên liêu” có thể bùng lên thành đám cháy lớn tại Nigéria, nhất là khi đốm lửa đó gặp phải cơn gió “xung đột sắc tộc-tôn giáo” do Lực lượng Hồi giáo cực đoan Boko Haram gây ra. Lực lượng này đã từng tuyên bố sẽ tiếp tục phát động chiến tranh chống nhà nước Nigeria cho đến khi xóa bỏ hệ thống thế tục và thiết lập một nhà nước Hồi giáo tại đây.Nhóm Bôcô Haram muốn áp đặt luật Hồi giáo Sharia trên toàn bộ lãnh thổ Nigeria./.

                                                                            Đoàn Thị Trung

Phản hồi

Các tin/bài khác