Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2014

(VOV5) - Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 vừa kết thúc chiều qua (01/07), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lại quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế năm 2014. Theo đó, Chính phủ cố gắng nỗ lực, tập trung cao độ để tháo gỡ khó khăn trên các lĩnh vực, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cuối năm khoảng 5,8%. 

Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2014 - ảnh 1


6 tháng đầu năm, Việt Nam đối mặt với những khó khăn chung của tình hình thế giới, trong nước, đặc biệt là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Do vậy, Việt Nam vừa phải đương đầu với những khó khăn, thách thức vốn có của nền kinh tế trong nước cùng với đó là những tác động của tình hình thế giới.


6 tháng đầu năm, kinh tế đang dần lấy lại đà tăng trưởng


Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam ước tăng 5,18%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (4,9%), với mức tăng trưởng khá cao của cả 3 khu vực: nông - lâm nghiệp và thủy sản.


Tín hiệu tích cực của nền kinh tế còn được nhìn nhận ở việc lạm phát sau 6 tháng chỉ ở mức 1,38%, mức thấp nhất trong vòng 13 năm. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, tiếp tục có xuất siêu (1,32 tỷ USD). Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến - chế tạo, tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của công nghiệp chế biến - chế tạo. Tại buổi họp báo sau khi kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ, chiều qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: "Kết quả này cho thấy, trong điều kiện khó khăn, chúng ta đã sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ, chỉ đạo tổ chức thực hiện cùng với nhân dân, cùng với doanh nghiệp, đem lại kết quả đáng khích lệ.Các chỉ số vĩ mô của chúng ta tiếp tục ổn định, kể cả tiền tệ và cán cân thanh toán khác. Tới giờ này, nhìn chung, kinh tế vĩ mô ổn định, cán cân thanh toán, xuất-nhập khẩu, thu-chi ngân sách... vượt xa mục tiêu đề ra. Lĩnh vực nông nghiệp cũng tăng trưởng, có những mặt tăng trưởng rất rõ rệt. Dịch vụ cũng vậy".


Thực hiện đồng loạt các giải pháp kinh tế trong 6 tháng cuối năm


Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong quá trình tái cơ  cấu nền kinh tế, Chính phủ đang tiến hành nhiều biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đẩy nhanh tiến trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do song phương và xuyên quốc gia, đồng thời tích cực hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đấu thầu, nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào để không lệ thuộc vào một thị trường nào. Đề cập nội dung này tại họp báo sau phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: "Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương đã từng bước đa đạng hóa các thị trường cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Bộ Công Thương phải mở rộng thị trường qua đàm phán. Hiện chúng ta đã ký kết được 8 hiệp định FTA với các nước và đang rất tích cực để hoàn thành Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định với Liên minh thuế quan Nga-Kazakhstan-Belarus. Gần đây nhất, tuần qua, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã trực tiếp dẫn đầu đoàn đàm phán Việt Nam sang EU để thực hiện những công đoạn gần như cuối (chưa phải cuối cùng) nhằm hoàn thành Hiệp định giữa Việt Nam và EU. Chúng ta rất mong muốn, hiệp định với EU cũng như với Liên minh thuế quan Nga-Kazakhstan-Belarus có thể kết thúc vào năm 2014. Đó là những việc rất gấp rút mà chúng ta phải làm trong 2 tháng vừa qua".


Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, một việc nữa hết sức quan trọng mà các bộ, ngành liên quan tiến hành là đẩy mạnh thực hiện chủ trương Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.


Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết Việt Nam đang thực hiện đề án tái cơ cấu đầu tư công và đã đạt được kết quả ban đầu rất quan trọng. Chi đầu tư phát triển và ngân sách 6 tháng đã đạt được 48% dự toán, so với cùng kỳ đây là tiến độ giải ngân khá tích cực, nhất là trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp. Theo Thứ trưởng: “6 tháng cuối năm, tiếp tục đẩy mạnh việc tạo điều kiện, các thủ tục để giải ngân dự án, hoàn thành vốn ngân sách, kể cả vốn trái phiếu Chính phủ là nhiệm vụ quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là thu hút nguồn lực tham gia đầu tư phát triển để tạo điều kiện cho các ngành kinh tế, đặc biệt là các công trình cơ sở hạ tầng phát triển. Các giải pháp về đầu tư công gồm có các giải pháp về tích cực đẩy mạnh giải ngân ngân sách, nhưng quan trọng hơn cả là cơ chế chính sách thu hút nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư phát triển".


Để có thể đưa vốn tín dụng ra thị trường một cách hiệu quả, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng sẽ cần có sự phối hợp chính sách liên quan đến cơ chế bảo đảm tiền vay, xử lý tài sản…Bên cạnh đó, cũng tập trung xử lý nợ xấu vốn đang là một trong những trở ngại hiện nay. Thông qua cơ chế của công ty mua bán tài sản, vừa qua đã xử lý được một bước. Cần tiếp tục xử lý trong thời gian tới.


Với những giải pháp của Chính phủ và sự phối hợp nhiều chính sách vĩ mô, Việt Nam sẽ đảm bảo mục tiêu tăng trưởng một cách hợp lý, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội khác./. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác