Phán quyết mang ý nghĩa lịch sử

(VOV5) -  Tòa đã khẳng định rằng các thực thể gồm đá Vành Khăn, đá Subi, đá Gaven, đá Tư Nghĩa, bãi Cỏ May và đá Chữ Thập không phải là đảo.


Các vấn đề cốt lõi trong lập luận khởi kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến yêu sách “ đường lưỡi bò” là quyền lịch sử trên Biển Đông và quy chế đảo, đã được Tòa trọng tài thường trực quốc tế làm rõ trong các quyết định ngày 12/7/2016. Phán quyết của Tòa được dư luận quốc tế hoan nghênh. Bài viết của biên tập viên Thu Hoa “ Phán quyết mang ý nghĩa lịch sử”.



Phán quyết mang ý nghĩa lịch sử - ảnh 1
Phán quyết của tòa được đưa ra dựa trên Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS). Ảnh: PCA

Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) tại La Hay, Hà Lan, vừa bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết của Tòa mang ý nghĩa lịch sử không những đối với các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, mà còn là một án lệ quan trọng đối với luật biển quốc tế.

Phủ định cái gọi là “ quyền lịch sử” của Trung Quốc tại Biển Đông

Từ trước đến nay, Trung Quốc chưa từng đưa ra giải thích nào hoặc cơ sở pháp lý chính thức nào  khi đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông theo cái gọi là “ đường chín đoạn”, hay còn gọi là “ đường lưỡi bò”. Chưa hết, Trung Quốc luôn nhắc đi nhắc lại khái niệm “ quyền lịch sử” của mình tại Biển Đông đối với các thực thể tại vùng biển thuộc phạm vi “đường lưỡi bò”. Tuy nhiên, với phán quyết tại phiên tòa mới đây, Tòa trọng tài thường trực  đã bác bỏ yêu sách “ đường lưỡi bò”, đồng thời khẳng định không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử, vượt quá các quyền của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS0, tại vùng biển thuộc phạm vi “đường lưỡi bò”. Tòa trọng tài cũng kết luận không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc. Cùng với đó, Tòa trọng tài thường trực cũng khẳng định Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với hệ san hô ở quần đảo Trường Sa. Mặc dù, đây không phải là lần đầu tiên “quyền lịch sử” được đưa ra trước một tòa án quốc tế, việc Tòa trọng tài tuyên bố yêu sách  “quyền lịch sử” của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS là một chứng lý quan trọng và có thẩm quyền để bác bỏ yêu sách mơ hồ dựa trên lịch sử mà Trung Quốc đưa ra. Điều quan trọng hơn là Tòa đã làm sáng tỏ sự tương tác của quyền này với Luật biển hiện đại, được ghi nhận trong UNCLOS, trực tiếp phủ định quan điểm của Trung Quốc cho rằng “ quyền lịch sử” ở Biển Đông có trước UNCLOS.


Chuẩn mực pháp lý quốc tế

Phán quyết của Tòa thường trực về quy chế pháp lý đảo của một số thực thể tại Trường Sa theo điều 121 UNCLOS chắc chắn là một tiếng nói có thẩm quyền để bác bỏ các yêu sách mơ hồ về mặt pháp lý của Trung Quốc đối với các thực thế tại Trường Sa. Tòa đã khẳng định rằng các thực thể gồm đá Vành Khăn, đá Subi, đá Gaven, đá Tư Nghĩa, bãi Cỏ May và đá Chữ Thập không phải là đảo. Và vì thế, chúng không thể và không phải được hưởng vùng biển mở rộng đến 200 hải lý theo UNCLOS. Ở phạm vi quốc tế, đây là lần đầu tiên trong lịch sử án lệ của tòa quốc tế, điều 121 của UNCLOS về quy chế pháp lý của đảo được giải thích và làm rõ. Tất cả những phân tích hay lập luận của Tòa sẽ tác động đến cách thức các quốc gia khác trên thế giới hiểu và áp dụng luật quốc tế về biển. Các quốc gia từ đó sẽ có một chuẩn mực pháp lý khách quan để áp dụng cho các thực thế khác tại Biển Đông nhằm xác định các vùng biển mà họ được hưởng theo công ước Luật biển. Phán quyết ngày 12/7 của Tòa thường trực quốc tế khẳng định xu thế và vai trò của cơ quan tài phán quốc tế trong giải quyết các tranh chấp phức tạp trên Biển. Điều này cho thấy sự không giới hạn quyền và sự lựa chọn của các quốc gia tìm kiếm và các biện pháp hoặc cơ chế để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.


Tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng hòa bình

Là nguyên đơn trong vụ kiện, sau phán quyết của Tòa trọng tài, chính phủ Philippnes khẳng định cam kết mạnh mẽ tôn trọng phán quyết được xem là cột mốc quan trọng này, coi đây là một trong những đóng góp thiết thực giải quyết tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nhấn mạnh Manila sẽ trình bày rõ ràng các bước tiếp theo nhằm đảm bảo rằng phán quyết trên sẽ được thực thi một cách hòa bình. Cựu Tổng thống Phippines Benigno Aquino cũng cho rằng phán quyết của Tòa đã tạo ra sự minh bạch trên Biển Đông, giúp các nước tranh chấp có thể ngồi lại với nhau, hướng tới giải pháp hòa bình trên vùng biển này.

Trong khi đó, Giáo sư Alexander Vuvinh thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á Thái Bình Dương, nhấn mạnh phán quyết của Tòa thường trực quốc tế là dấu mốc lớn đối với việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donal Tusk bày tỏ hy vọng phán quyết của Tòa sẽ được sử dụng để tạo ra một động lực tích cực trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp đối với tranh chấp trên Biển Đông. Ngoại trưởng Australia Juie Bishop khẳng định việc tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực Đông Á.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác