Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong xây dựng đất nước

(VOV5)- Với tổng số trên 4 triệu người sinh sống tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của đất nước, dân tộc. Với chủ đề: “ Tầm nhìn đến năm 2020 – Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước”, Hội nghị về người VN ở nước ngoài lần thứ hai diễn ra trong các ngày từ 26-30/9/2012 tại thành phố HCM nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới.

Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong xây dựng đất nước - ảnh 1

Đại biểu kiều bào tham dự Hội nghị NVNONN lần thứ nhất cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tại Hà Nội, tháng 11/2009

Sau 3 năm kể từ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất được tổ chức tháng 11/2009, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài liên tục phát triển và lớn mạnh cả về lượng và chất. Về mặt lượng, ngày càng đông người Việt sang nước ngoài, nâng tổng số người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay lên hơn 4 triệu người. Về mặt chất, kiều bào ở nước ngoài được đánh giá là cộng đồng trẻ, năng động, có nhiều tiềm năng về đầu tư, kinh doanh, tri thức quản lý và khoa học- công nghệ, ngày càng hội nhập sâu hơn, có vị thế chính trị cũng như kinh tế trong xã hội sở tại. Một số người có tên tuổi và uy tín khoa học lớn được thế giới, xã hội sở tại vinh danh như: Giáo sư, tiến sỹ Vật lý Trần Thanh Vân – người châu Á thứ 3 được nhận Huy chương Tate do Viện Vật lý Mỹ; Giáo sư Thiên văn học Trịnh Xuân Thuận được Học viện Pháp quốc tặng Giải thưởng Thế giới Cino del Duca 2012; Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields – giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học; Giáo sư Vũ Hà Văn được Hội Quy hoạch Toán học và Hội Toán học Mỹ trao Giải Fulkerson, Giáo sư Đàm Thanh Sơn được Đại học Chicago (Hoa Kỳ) bổ nhiệm làm “Giáo sư Đại học” vật lý… Tiềm lực kinh tế, xã hội của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng cao, sự gắn kết của bà con đối với quê hương, đất nước ngày càng chặt chẽ.

Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong xây dựng đất nước - ảnh 2

Đoàn kiều bào thăm xưởng cắt may tự động của Công ty Đông Tài tại Hải Dương do ông Phạm Minh Nam (kiều bào Anh) làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định: Đúng như tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ chính trị về công tác về người VN ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không những là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng trong xây dựng đất nước. Sự đóng góp của đồng bào trong những năm qua, nói riêng trong lĩnh vực kiều hối cứ năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10% đến 15%. Tính đến năm 2011 đã có 9,2 tỷ USD kiều hối đã về đất nước, góp phần rất thiết thực vào việc xóa đói giảm nghèo và cùng các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các công trình, dự án, chương trình an sinh xã hội…

Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong xây dựng đất nước - ảnh 3

10 doanh nhân kiều bào tiêu biểu được vinh danh tại Hội nghị NVNONN lần thứ nhất

Cho đến nay, có khoảng 3.546 dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư ở trong nước, với tổng số vốn đạt khoảng 8,4 tỷ USD, có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, xã hội, trực tiếp góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm và phát triển đất nước. Thời gian qua, các hoạt động do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài- Bộ Ngoại giao tổ chức dành cho kiều bào như Xuân Quê hương, diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Giỗ Tổ Hùng Vương, Trại hè Việt Nam, Đoàn kiều bào đi thăm và tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa... là dịp để cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc xích lại gần hơn với quê hương, cùng hòa chung nhịp thở của quê hương, cùng chung tay giải quyết các công việc trọng đại của đất nước.

Trước những yêu cầu phát triển và hội nhập mà Đảng, Nhà nước đặt ra cùng sự lớn mạnh không ngừng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới nhằm phát huy cao độ tiềm năng, thế mạnh của kiều bào, giảm thiểu những khó khăn, trở ngại mà bà con đang gặp phải để tận dụng tốt nhất nguồn lực quý giá này cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020 và tiến trình hội nhập toàn diện của đất nước.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm: Những chế độ, chính sách mà chúng ta đã có rất khuyến khích và động viên cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn, từ luật quốc tịch, từ luật nhà ở cho đến luật xuất nhập cảnh. Tôi cho là những vướng mắc đối với bà con hiện nay là những điều kiện trong Luật đầu tư trong nước. Có rất nhiều dự án, bà con đầu tư 100% vốn nhưng rất khó khăn khi triển khai. Chủ trương chính sách của Trung ương thì rất thông thoáng nhưng về các địa phương thì đôi khi các địa phương không hiểu hết, cho nên vẫn coi bà con là nhà đầu tư nước ngoài. Cho nên tôi cho là trong thời gian tới đây, muốn thu hút được nguồn lực của cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là thể chế hóa Nghị quyết 36 về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài bằng một loạt các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước để thu hút hiệu quả hơn nguồn lực của bà con với công cuộc xây dựng đất nước, và khi ấy, tình cảm của bà con đối với đất nước sẽ ngày càng sâu nặng hơn.

Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong xây dựng đất nước - ảnh 4

Công ty IQLink tại Hải Dương, Việt Nam, do ông Nguyễn Hoài Bắc, Việt kiều Canada là chủ đầu tư 

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai là cơ hội để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, thêm vững tin vào Đảng, Nhà nước và được trực tiếp tham gia vào những công việc trọng đại của dân tộc. Đồng thời, Hội nghị cũng giúp các cơ quan chức năng đánh giá đầy đủ hơn, sát thực hơn về tình hình cộng đồng hiện nay; những khó khăn, lực cản mà cộng đồng đang gặp phải khi hội nhập vào xã hội sở tại; vai trò và vị trí của cộng đồng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và trong bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc... từ đó đề ra những chính sách, biện pháp để cộng đồng ngày càng ổn định, phát triển, hội nhập vào xã hội sở tại, tiếp tục hướng về quê hương, chung sức với nhân dân cả nước gánh vác các công việc trọng đại và cùng song hành với Tổ quốc trước những thử thách lớn lao trong tiến trình hội nhập và phát triển./.

Phản hồi

Các tin/bài khác