Phát triển và chấn hưng văn hóa trong thời kỳ mới

(VOV5) - Việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người VN giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2045 là một "đại công trình" để phát triển văn hóa VN.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh định hướng phát triển văn hóa và đất nước giai đoạn 2021-2030  là "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc". Thực hiện chủ trương này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang gấp rút hoàn thiện xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm đưa các nghị quyết, định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam vào cuộc sống.

Phát triển và chấn hưng văn hóa trong thời kỳ mới - ảnh 1Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+

Việc xây dựng và triển khai thành công Chương trình sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong văn hóa

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, mục tiêu của Chương trình là tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, hướng tới mục tiêu đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài cho tương lai. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Chúng tôi đặt ra 10 yêu cầu trong Chương trình, trong đó có yêu cầu phải khai thác tốt hơn các khía cạnh của kinh tế trong văn hóa, và văn hóa trong kinh tế để cho yếu tố văn hóa thấm sâu vào tất cả lĩnh vực đời sống và sáng tạo của con người. Đây là yêu cầu về lâu dài xuyên suốt về chỉ đạo. Kết cấu của Chương trình gồm có 9 nhóm dự án, trong đó nhóm dự án thứ 6 là nhóm hết sức quan tâm và trăn trở, đó là phát triển các nền công nghiệp văn hóa để đảm bảo được chiến lược đến năm 2030, văn hóa đóng góp 7% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”.

Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, cấp huyện, cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được hưởng thụ, tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương.

Với những mục tiêu đã kể trên, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ góp phần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách, bản sắc và bản lĩnh Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; hoàn thiện thể chế, thiết chế cho hoạt động văn hóa từ Trung ương đến cơ sở. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, các ngành công nghiệp văn hóa; tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào trong lĩnh vực hoạt động văn hóa.

Đại công trình chấn hưng văn hóa

Phát triển và chấn hưng văn hóa trong thời kỳ mới - ảnh 2Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: baochinhphu.vn

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng cần xem việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một "đại công trình" để chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam. Do đó, cần tập trung mọi nguồn lực để xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: “Chúng ta phải làm ra những giá trị mới, để khẳng định mục tiêu này. Có những cái chúng ta chấn hưng, gìn giữ, nhưng có những cái chúng ta phải xây dựng giá trị mới. Và có những cái phải tháo gỡ để phát huy tốt hơn. Có những cái chúng ta phải thực sự tham gia vào kinh tế thị trường. Như vậy, chúng ta phải làm rất rành mạch, cái gì phải gìn giữ để giáo dục truyền thống đạo đức, cái gì cần xây dựng thành các giá trị văn hóa mới của Việt Nam”.

Về phần mình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tập trung tháo gỡ các “nút thắt”, “điểm nghẽn” chính sách, khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho sự nghiệp phát triển và chấn hưng văn hoá. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Chúng ta vạch ra đường lối, chủ trương đáp ứng được yêu cầu là chấn hưng văn hóa trong thời kỳ mới, đồng thời đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, củng cố, tăng cường vị thế của Việt Nam, quan trọng hơn là củng cố sức sống bền vững, trường tồn của dân tộc Việt Nam trong một môi trường quốc tế hết sức đa dạng và hết sức phức tạp hiện nay. Đồng thời, chúng ta đóng góp nhiều trí tuệ cho các văn kiện tổng kết sắp tới và chúng ta sẽ có nhiều chương trình hành động mang tính đột phá”.

Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến đóng góp của nhân dân để hoàn thiện hồ sơ Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết quả của việc làm này sẽ góp phần tạo chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa, biến văn hóa thực sự thành nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước hùng cường, bền vững.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác