Phòng chống tham nhũng: Chính phủ và nhân dân cùng làm

(VOV5) - Việt Nam hiện đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cách làm hiệu quả hiện nay nhận được sự quan tâm và tham gia hưởng ứng là phát huy vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ công chức, viên chức. 

Phòng chống tham nhũng: Chính phủ và nhân dân cùng làm - ảnh 1

Ngày 17/08/2011, Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng (VACI) 2011 với chủ đề “Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả”,  do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức, chính thức được triển khai thí điểm tại một số địa phương. Đây là chương trình hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về pháp luật phòng chống tham nhũng trong cộng đồng, phát huy vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, VACI 2011 cũng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong hoạt động phòng chống tham nhũng; thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Để thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc đẩy lùi tham nhũng, hướng tới sự minh bạch và công bằng trong xã hội, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp hỗ trợ thiết thực để 34 đề án nhận giải thưởng của VACI 2011 được triển khai hiệu quả tại các địa phương thí điểm. Ông Lê Quang Hà, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, cho rằng “Ngay khi 34 đề án được Ngân hàng Thế giới giải ngân, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giao Cục Chống tham nhũng phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế thường xuyên nắm tình hình, theo dõi việc triển khai các đề án và kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thực hiện đề án ở địa phương. Thanh tra Chính phủ đã có văn bản hoặc trực tiếp trao đổi với các cơ quan có liên quan ở địa phương khẳng định tính pháp lý của Chương trình VACI 2011, yêu cầu các cơ quan chức năng của địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho đề án triển khai đúng kế hoạch.”

Trong số 34 đề án nhận được sự hỗ trợ từ phía Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới, đề án “Nâng cao kiến thức pháp luật cho nông dân người dân tộc thiểu số Khmer” được triển khai thí điểm tại xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, là một trong số những đề án đạt hiệu quả. Mô hình các lớp tập huấn pháp luật cho cán bộ, người dân và sư sãi tại địa phương nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, nhiều ý kiến đại biểu nhân dân cho rằng đề án đã thực sự mang lại lợi ích cho người dân. Qua các lớp tập huấn và tuyên truyền pháp luật, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đã đến được với người dân một cách thực chất và có hiệu quả, để họ quyết tâm nói “Không” với tiêu cực và tham nhũng. Sau 1 năm đưa đề án áp dụng vào thực tế, số lượng đơn thư khiếu nại tại địa phương đã giảm gần 50%. Bà Nguyễn Thị Cẩm Hà, Trưởng Ban Kiểm tra, Hội nông dân tỉnh An Giang, cho biết: “Tại các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, ngoài nội dung triển khai các văn bản luật, các thành viên còn tham gia thảo luận, trao đổi, phản ánh về những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra tại địa bàn và nghe phổ biến về tình hình an ninh chính trị, trật tự ở địa phương. Do vậy, hoạt động của Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật cũng góp phần quan trọng trong việc thực hiện đề án tại địa phương.” 

Trước những kết quả bước đầu các dự án đạt được, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Đức Hạnh, nhận định: “Qua đánh giá của Thanh tra Chính phủ trong các đợt khảo sát, có thể nói các dự án đã được triển khai trên qui mô, lĩnh vực tương đối rộng và đồng đều trước những phát sinh của xã hội. Đặc biệt với mục đích của dự án là nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về phòng chống tham nhũng thì các dự án cơ bản đã đáp ứng được những nội dung đó. Tuy nhiên, một số lĩnh vực cũng cần phải được nghiên cứu để bổ sung thêm để làm sao các giải đăng kí cho các nội dung này sẽ được tăng thêm nhiều lĩnh vực mà xã hội quan tâm.

Tại buổi Hội thảo đánh giá kết quả giữa kỳ chương trình sáng kiến phòng, chống tham nhũng 2011 được tổ chức hôm qua (16/08), tại Hà Nội, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới (WB), cho rằng: “Những gì chúng ta thấy được trong hội thảo cho thấy người dân đã tham gia cam kết và thực hiện. Tôi rất ấn tượng với những đóng góp của người dân. Họ đã khẳng định rằng mình có thể tham gia và trên thực tế họ đã tham gia. Theo tôi, điều này rất quan trọng vì trong công tác chống tham nhũng, Chính phủ phải đi đầu, nhưng Chính phủ cũng cần có sự tham gia của người dân địa phương như thế này.” 

Có thể nói, chương trình sáng kiến phòng, chống tham nhũng (VACI) từ ý tưởng đến hiện thực giúp tăng cường nhận thức, nâng cao tính minh bạch, đẩy mạnh hiệu quả vận hành của các cơ quan công quyền ở Việt Nam theo hướng dịch vụ, đồng thời cải thiện quá trình đưa luật vào cuộc sống. Điều quan trọng là chương trình này đã tạo điều kiện cho người dân trực tiếp tham gia vào phòng, chống tham nhũng, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ một công dân trong việc xây dựng đất nước./.

Phản hồi

Các tin/bài khác