Quan hệ Mỹ - Ấn ấm dần lên

(VOV5) Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang có chuyến thăm chính thức Ấn Độ lần đầu tiên kể từ khi quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này có Thủ tướng mới. Hôm nay (31/7), ông John Kerry và người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj  đồng chủ trì đối thoại chiến lược Mỹ - Ấn lần thứ 5 bàn các biện pháp cải thiện mối quan hệ song phương vốn gặp nhiều sóng gió trong thời gian qua.  Liệu 2 bên có thể gác lại những bất đồng để cùng nhau làm  ấm lại quan hệ giữa hai nước.?. Biên tập viên Đài TNVN có bài viết nhan đề Quan hệ Mỹ - Ấn ấm dần lên.

 

Quan hệ Mỹ - Ấn ấm dần lên - ảnh 1

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh Reuters)


Tổng thống Mỹ Barak Obama từng tuyên bố 4 năm trước rằng quan hệ Mỹ- Ấn có thể trở thành một trong những quan hệ đối tác vững chắc của thế kỷ 21. Tuy nhiên đến nay điều này vẫn chưa được như kỳ vọng và còn nhiều vấn đề khiến quan hệ song phương không phát triển. Vì vậy, trong chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ lần này, Hoa Kỳ hy vọng hai bên sẽ đạt được những tiến bộ nhất định trong các dự án hợp tác quốc phòng, gạt bỏ những trở ngại để các tập đoàn Mỹ tham gia vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân, cũng như có được các cam kết của Ấn Độ trong việc chia sẻ các lợi ích tại Châu Á.

Hướng tới những lợi ích chiến lược

Trước thềm chuyến thăm, Ngoại trưởng John Kerry khẳng định quan hệ hữu nghị gần gũi với Ấn Độ là một trong những ưu tiên chiến lược dài hạn của Mỹ. Ông cho rằng hiện là thời điểm chuyển đổi tiềm năng trong quan hệ đối tác Mỹ - Ấn khi hai nước đã quyết tâm thực hiện những cơ hội chiến lược và lịch sử mà họ có thể cùng nhau tạo ra. Ấn Độ đã có Chính phủ mới với những ưu tiên mới và khả năng mới. Ngoại trưởng John Kerry cũng không quên bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ về tầm nhìn và các kế hoạch phát triển của Thủ tướng Narendra Modi. Trong khi đó, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương Samuel Locklear cho biết Washington muốn tăng cường quan hệ quân sự với New Delhi.  Washington cũng mong muốn New Delhi đóng vai trò tích cực hơn tại Nam và Đông Nam Á, nơi mà thái độ của Bắc Kinh trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đang gây ra nhiều lo ngại.

Trong lĩnh vực kinh tế, hiện nay kim ngạch thương mại song phương Ấn-Mỹ đạt khoảng 100 tỷ USD và giới chức 2 nước đang hy vọng con số này sẽ tăng gấp 5 lần trong thời gian tới. Về phần mình, Chính phủ Ấn Độ hy vọng thu hút nhiều hơn đầu tư Mỹ. Để làm được điều này, New Delhi thông báo mở cửa các lĩnh vực mới như bảo hiểm, quốc phòng cho vốn nước ngoài đầu tư. Với quyết định của Ấn Độ nâng trần đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất thiết bị quốc phòng lên 49% so với 26% hiện nay, hai nước dự định sẽ triển khai những bước tiếp theo trong chiến lược cùng sản xuất và cùng phát triển. Trên cơ sở đó, trong Chương trình nghị sự của vòng đối thoại chiến lược lần này, hai bên đề cập đến hợp tác sản xuất tên lửa javelin thế hệ mới cũng như một chương trình phát triển máy bay không người lái.

Ấn Độ cũng mong muốn hợp tác nhiều hơn với Mỹ trong khai thác khí đốt từ đá phiến trong khi Mỹ mong muốn mở rộng xuất khẩu và đầu tư vào Ấn Độ.

Rào cản không nhỏ

Mặc dù giữa hai nước có nhiều điều kiện để xích lại gần nhau hơn nhưng phải thừa nhận quan hệ song phương vẫn chưa thể đạt được những tiến triển ngoạn mục. Trước hết phải kể đến việc Thủ tướng mới đắc cử Narendra Modi, thuộc đảng dân tộc chủ nghĩa Bharatiya Janata (BJP), từng bị cấm nhập cảnh Mỹ trong 9 năm sau các vụ bạo động ở bang Gujarat, dưới thời ông làm Thống đốc, khiến hơn 1 nghìn người thiệt mạng, đa số là người Hồi giáo. Ngay sau khi lên nắm quyền, một trong những quyết định đầu tiên của ông Narendra Modi là ký thỏa thuận thành lập ngân hàng phát triển của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi), để thoát ra khỏi sự kiểm soát của các định chế tài chính quốc tế, bị coi là do Hoa Kỳ và Châu Âu lũng đoạn. Ngoài ra, quan hệ 2 nước cũng bị phủ bóng đen sau khi Washington bắt giữ Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ tại New York, bà Devyani Khobragade năm ngoái với cáo buộc gian lận thị thực, bóc lột sức lao động của người giúp việc. Đó là chưa kể đến các bất đồng về chế độ bảo hộ mậu dịch, về quyền sở hữu trí tuệ, các cải cách về sở hữu trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quốc phòng của Ấn Độ.

Tiếp theo chuyến công du của Ngoại trưởng John Kerry, đầu tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng sẽ thăm Ấn Độ và theo kế hoạch tân Thủ tướng Narendra Modi sẽ công du Hoa Kỳ vào tháng 9, theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Các động thái ngoại giao này thể hiện mong muốn thúc đẩy quan hệ của 2 bên tuy nhiên để đạt hiệu quả không phải là điều dễ thực hiện./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác