(VOV5) - Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa chính thức dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt duy trì gần 2 thập kỷ qua nhằm vào Myanmar.
Bộ Tài chính Mỹ cũng bãi bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Myanmar. Đây được xem là bước đi lịch sử mới trong tiến trình cải thiện quan hệ giữa 2 nước, sau gần 2 thập kỷ quan hệ rơi vào băng giá.
|
Ngoại trưởng Aung San Suu Kyi gặp Tổng thống Obama trong chuyến thăm tới Mỹ ngày 14/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Quyết định của Tổng thống Obama được đưa ra một tháng sau cuộc gặp lịch sử giữa ông và Cố vấn Nhà nước Myanmar bà Aung San Suu Kyi tại Nhà Trắng. Cùng các biện pháp gỡ bỏ cấm vận về tài chính, kinh tế, Washington bày tỏ mong muốn Naypidaw sẽ trở thành một đối tác dân chủ và thịnh vượng của Mỹ trong khu vực.
Tiến trình bình thường hóa quan hệ
Mỹ bắt đầu tăng cường trừng phạt Myanmar vào năm 1988 khi quân đội nắm quyền và gia tăng đàn áp đối với các nhà hoạt động vì dân chủ. Lệnh tình trạng khẩn cấp, một hình thức trừng phạt của Washington đối với Myanmar, được chính quyền Tổng thống Bill Clinton áp đặt ngày 20/5/1997 với lý do các chính sách của chính quyền quân sự trước đây ở Naypidaw là mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Mỹ. Cùng năm đó, Quốc hội Mỹ ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ đầu tư vào Myanmar và năm 2003 cấm nhập khẩu hàng hóa từ nước này. Chính quyền của Tổng thống George Bush năm 2007 tiếp tục ban hành một sắc lệnh hành chính siết chặt biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi khi Tổng thống Myanmar Thein Sein lên nắm quyền vào năm 2011, dọn đường cho cuộc chuyển tiếp sang chính quyền dân sự. Năm 2012, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi được trả tự do. Tổng thống Barack Obama năm đó cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Myanmar. Mỹ cũng bãi bỏ nhiều lệnh cấm đầu tư và thương mại đối với Myanmar. Sau khi Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 11/2015, Mỹ đã cho phép các công ty tham gia làm ăn ở các sân bay, bến cảng lớn nhất Myanmar.
Trong chuyến thăm Mỹ của Ngoại trưởng, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Văn phòng tổng thống Myanmar Aung San Suu Kyi, Tổng thống B.Obama đã nhấn mạnh sẽ đưa Myanmar trở lại danh sách các nước được hưởng qui chế Hệ thống Ưu đãi Phổ quát (GSP), một cơ chế miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời bày tỏ hy vọng Naypidaw sẽ ngày càng trở thành một đối tác dân chủ và thịnh vượng của Mỹ trong khu vực.
Cạnh tranh ảnh hưởng ở Myanmar
Việc Mỹ dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đối với Myanmar cho thấy Mỹ đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng ở quốc gia đang có nhiều tiến bộ cải cách và nhiều tiềm năng hợp tác, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc, quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn với Naypyidaw, cũng đang dốc sức củng cố quan hệ với đất nước này.
Trước chuyến thăm Mỹ, bà Suu Kyi, người được đánh giá là nắm trong tay phần lớn quyền lực ở Myanmar mặc dù không thể trở thành Tổng thống của Myanmar do không phù hợp với quy định của Hiến pháp, đã chọn Trung Quốc làm điểm công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đảng của bà lên nắm quyền. Trong chuyến đi ấy, bà khẳng định, dù tình hình quốc tế có thay đổi, Myanmar vẫn tiếp tục dốc sức củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hai nước. Chính vì vậy, Mỹ cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội mở rộng tầm ảnh hưởng ở Myanmar. Nếu Washington càng thiết lập tốt quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự lâu dài với Naypydaw bao nhiêu thì Mỹ càng có ảnh hưởng lớn bấy nhiêu trong cuộc tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc trên cục diện địa-chính trị ở liên khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Thực tế, trong suốt những năm Myanmar bị Mỹ và phương Tây áp đặt trừng phạt, Trung Quốc một mặt viện trợ kinh tế và quân sự cho Myanmar, một mặt từng bước xây dựng tiền đồn trên biển nhằm kiểm soát tuyến vận chuyển quá cảnh năng lượng từ vùng Vịnh qua Ấn Độ Dương sang Trung Quốc. 50 năm bị cô lập về kinh tế đã đẩy Myanmar xích gần Trung Quốc, đặc biệt là những hỗ trợ về kinh tế.
Việc dỡ bỏ cấm vận với Myanmar nằm trong ván cờ quan trọng của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Dù Mỹ luôn nhấn mạnh việc Mỹ quay lại châu Á – Thái Bình Dương không phải để “kiềm chế Trung Quốc”, nhưng thực tế Mỹ không thể chậm hơn Trung Quốc trong việc tranh ảnh hưởng ở khu vực. Rõ ràng, mối quan hệ Mỹ - Myanmar càng gần gũi thì đôi bên càng có lợi. Bản thân những nhà cải cách Myanmar cũng tin rằng việc bắt tay hợp tác với Mỹ và đồng minh góp phần nào vào sự cân bằng và giải tỏa sức ép từ sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Vai trò của Washington đối với quá trình dân chủ hóa Myanmar rất quan trọng và điều này được chính quyền kế nhiệm của bà Suu Kyi hiện nay nhận thức rõ trong tiến trình hội nhập, cải cách.