(VOV5) - Sáng 31/07, theo giờ Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 26 đến 30/7 theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Với nhiều kết quả cụ thể, chuyến thăm đã tạo dấu mốc và động lực quan trọng nhằm hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-LB Nga.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga G. Zyuganov Ảnh Internet |
Có thể thấy, trong suốt những thập kỷ hợp tác, quan hệ Việt Nam - LB Nga đã luôn phát triển theo hướng là đối tác vững chắc và tin cậy của nhau. Những điều kiện khách quan của tình hình khu vực và quốc tế đã và đang cho phép hai nước hình thành những điều kiện thuận lợi mới để vững bước tiến lên trong mọi hướng hợp tác. Bởi vậy, chuyến thăm chính thức LB Nga lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được xem là thời điểm quan trọng để hai bên thiết lập khung phát triển mới, đưa quan hệ Việt Nam – LB Nga nâng cấp lên một bước cao hơn.
Lần đầu tiên, cuộc hội đàm cấp cao của hai nguyên thủ được diễn ra ngay tại dinh thự của Tổng thống Putin ở thành phố biển Sochi. Đây là sự kiện đặc biệt, chưa từng có trong tiền lệ các chuyến trao đổi viếng thăm cấp cao trước đây, thể hiện sự tin cậy đặc biệt và tình cảm thân thiết của Tổng thống Nga Putin dành cho Chủ tịch nước Việt Nam, phù hợp với nội dung sắc lệnh về chính sách đối ngoại nhiệm kỳ mới Tổng thống Nga Putin đã ký mới đây, theo đó Nga xếp Việt Nam vào nhóm đối tác quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương, ngay sau Trung Quốc và ngang với Ấn Độ. Điều này cũng đã được chính Tổng thống Putin khẳng định sau cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và được trích dẫn trên khắp các phương tiện thông tin của Nga trong suốt tuần qua: “Quan hệ Nga-Việt có gốc rễ sâu xa, giữa nhân dân 2 nước chúng ta từ lâu đã có mối thiện cảm to lớn với nhau và chính điều này đã giúp chúng ta phát triển mối quan hệ ngày hôm nay. Hiện mối quan hệ của chúng ta phát triển trên mọi lĩnh vực. Kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước đạt hơn 3 tỷ USD trong năm qua. Chúng ta có rất nhiều dự án lớn rất quan trọng đối với cả 2 nước”.
Xác định quan hệ kinh tế thương mại là một trong những bộ phận quan trọng nhất trong tổng thể các mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, vì vậy phát biểu trước hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam và LB Nga tại Diễn đàn doanh nghiệp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặc biệt nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp hai nước cần có những biện pháp mang tính đột phá để đưa quan hệ kinh tế thương mại phát triển tương xứng với quan hệ chính trị đặc biệt tốt đẹp và tiềm năng của mỗi bên. Về phía Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định thị trường Việt Nam luôn mở rộng đón các nhà đầu tư LB Nga. Ông cho biết: “Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Liên bang Nga, hợp tác với Việt Nam trong mọi lĩnh vực kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực truyền thống như thương mại, dầu khí, năng lượng, khai khoáng, khoa học kỹ thuật và công nghệ, giáo dục đào tạo, du lịch, lao động… Việt Nam sẽ tạo những thuận lợi tối đa để các tập đoàn và công ty của Liên bang Nga lựa chọn Việt Nam là một điểm đến chiến lược, trong việc mở rộng hoạt động và hợp tác kinh tế các doanh nghiệp Liên bang Nga với Việt Nam cũng như với khu vực ASEAN”.
Cùng với Tuyên bố chung Việt Nam-LB Nga, thống nhất những định hướng lớn, những mục tiêu được đặt ra trong từng lĩnh vực cụ thể để hiện thực hóa nền tảng phát triển quan hệ trong giai đoạn mới, 7 văn kiện được ký kết trong chuyến thăm lần này thể hiện mức độ tin cậy đặc biệt cao về chính trị giữa hai nước. Đó là quyết tâm nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD vào năm 2015. Đó là cam kết xây dựng tại Việt Nam nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân với hứa hẹn trở thành biểu tượng hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và Nga trong thế kỷ 21, hay việc sớm thành lập Đại học Công nghệ Việt-Nga tại Hà Nội. Nga cam kết chú trọng đào tạo quốc phòng cho Việt Nam, đào tạo quân nhân Việt Nam có đủ trình độ làm chủ công nghệ, trang thiết bị quân sự của Nga tại Việt Nam. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Trong các vấn đề quốc tế, Việt Nam và Nga có cùng quan điểm trên nhiều vấn đề. Hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Nga đều ủng hộ việc thiết lập tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương một cấu trúc an ninh hợp tác cởi mở, bình đẳng và công khai, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và tính đến quyền lợi hợp pháp của tất cả các bên. Cả Nga và Việt Nam đều cho rằng các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại châu Á - Thái Bình Dương cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).
Chuyến thăm chính thức LB Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là hoạt động trao đổi viếng thăm cấp cao theo thông lệ quan hệ song phương, nhưng là lần đầu tiên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống V.Putin gặp nhau trên cương vị hai nguyên thủ Nhà nước. Chính điều này mang ý nghĩa chính trị nổi bật trong quan hệ 2 nước giai đoạn mới. Với những kết quả cụ thể đạt được, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga đang phát triển thực chất và ngày càng sâu sắc theo hướng bền vững./.