Quản lý thông tin phù hợp luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế

(VOV5) - Thế giới đang dịch chuyển theo hướng xã hội thông tin với sự bùng nổ của các mạng xã hội, giúp người dùng chia sẻ thông tin nhanh.


Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đặt ra nhiều thách thức về việc quản lý. Chính phủ Việt Nam đã và đang tổ chức quản lý thông tin phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế. 


Quản lý thông tin phù hợp luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Các vấn đề của xã hội thông tin bao gồm công tác quản lý an toàn an ninh mạng, xử lý cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, gây hoang mang dư luận, quản lý thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực tế cho thấy tại Việt Nam thời gian qua xuất hiện các hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật, lập các trang cá nhân giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm pháp luật. Các thông tin này chủ yếu xuất phát từ nguồn các mạng xã hội do các tổ chức nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, gây nhiều hệ lụy trong xã hội.

Minh bạch thông tin

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển mạng xã hội ở Việt Nam là xu thế tất yếu. Hiện số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam thuộc hàng cao trên thế giới với khoảng 45 triệu người dùng facebook. Đối với kênh youtube, Việt Nam cũng là một trong 10 quốc gia có số người dùng cao nhất. Mặc dù các quy định pháp luật trong nước đã có đầy đủ để điều chỉnh hành vi người sử dụng, nhưng những trang mạng xã hội có thông tin xấu độc ngày càng khó kiểm soát do ít chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, ngày 26-12-2016, Bộ Thông tin Truyền thông đã ban hành Thông tư 38, quy định chi tiết về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới và bước đầu có cơ sở pháp lý yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới phải có trách nhiệm phối hợp, gỡ bỏ những thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam. Cùng với đó, báo chí chính thống phải cung cấp thông tin kịp thời, chính xác.Nghĩa là, bảo đảm minh bạch trong tiếp cận thông tin là giải pháp quan trọng nhất để áp đảo những thông tin xuyên tạc, sai trái trên mạng xã hội.

Cùng với đó, Bộ Thông tin Truyền thông đang rà soát hành lang pháp lý và kiến nghị bổ sung các quy định quản lý thông tin cho phù hợp với luật pháp Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Facebook tuân thủ pháp luật Việt Nam và gỡ bỏ hơn 2.200 video clip bôi nhọ lãnh đạo, xuyên tạc bản chất xã hội. Bộ cũng làm việc yêu cầu Google đồng ý thiết lập cơ chế gỡ bỏ, ngăn chặn các thông tin, video clip vi phạm pháp luật Việt Nam trên các kênh, nền tảng khác sử dụng hệ thống của Google. Thời gian tới, Bộ tiếp tục làm việc với Facebook để gỡ bỏ các trang mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ đang xây dựng công cụ đánh giá truy cập web để làm căn cứ thực hiện các chính sách quản lý Nhà nước...; thúc đẩy phát triển mạng xã hội cho doanh nghiệp Việt Nam cung cấp có khả năng thay thế hoặc cạnh tranh với Facebook.

Nâng cao ý thức người sử dụng để đảm bảo an toàn thông tin

An toàn an ninh mạng đang nhận được sự quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Các cuộc tấn công mạng trên thế giới thời gian qua tăng cả về số lượng, quy mô và phức tạp về phương thức thực hiện. Các nền kinh tế lớn, có nền tảng công nghệ thông tin phát triển mạnh đã dành nguồn lực lớn để giải quyết những rủi ro về an toàn thông tin nhưng cũng vẫn chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ các cuộc tấn công mạng. Tại Việt Nam, kết quả khảo sát năm 2016 cho thấy hơn một nửa số cơ quan, tổ chức không triển khai đủ các yêu cầu về quản lý an ninh mạng.

Để khắc phục những hạn chế này, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực an toàn thông tin, Bộ Thông tin Truyền thông đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển an toàn thông tin quốc gia đến năm 2020; Quyết định về Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin đến năm 2020. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức điều phối và cảnh báo, trực tiếp xử lý, ứng cứu hàng chục tình huống khẩn cấp để chống các cuộc tấn công mất an toàn thông tin. Mới đây nhất, Bộ Thông tin Truyền thông vừa tổ chức diễn tập lớn về xử lý và bảo đảm an toàn thông tin mạng; đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thông tin quy mô quốc gia và xây dựng một số hệ thống kỹ thuật tập trung như: Hệ thống xử lý tấn công mạng internet, hệ thống trung tâm kỹ thuật an toàn mạng quốc gia; hướng dẫn, giám sát cảnh báo đối với các bộ, ngành, địa phương...

Những giải pháp đồng bộ từ khung pháp lý, các giải pháp công nghệ, đặc biệt là nâng cao ý thức của người sử dụng, sẽ được Việt Nam thực hiện mạnh mẽ nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác