(VOV5) - Nhiệm vụ đặt ra cho các bộ, ngành và địa phương là chủ động xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,2% và cao hơn.
Thông tin từ phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2015 cho thấy trong 3 tháng đầu năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt 6,03%, là mức cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Việc ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô là mục tiêu của Việt Nam trong thời gian tới.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 3/2015. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tốc độ tăng GDP đạt 6,03% là nhờ sự tăng trưởng gần gấp đôi năm ngoái trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng. Cùng với đó, lạm phát tháng 3 tăng 0,15%, tín dụng đối với nền kinh tế cũng tăng 1,25%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 9,1% so với cùng kỳ và chiếm trên 30% GDP… Mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; dự trữ ngoại hối tăng. Thu, chi ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 3 tỷ USD, vốn ODA giải ngân tăng hơn 10%...
Đặt mục tiêu GDP đạt 6,2%
Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn gặp một số thách thức trong đó nổi bật là việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn; tăng trưởng các khu vực dịch vụ và nông, lâm, thủy sản đạt thấp hơn cùng kỳ; thời tiết nắng nóng, khô hạn tại một số tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; xuất khẩu khu vực trong nước giảm so với cùng kỳ… Nhiệm vụ đặt ra cho các bộ, ngành và địa phương là chủ động xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh nhằm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,2% và cao hơn. Về phần mình,Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát lạm phát, bội chi ngân sách, nhập siêu ở mức 5%, xuất khẩu phấn đấu tăng 10% gắn với ổn định tỷ giá, lãi suất…Việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với ngành nông nghiệp là yếu tố quyết định cho sự phát triển. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Tất cả chúng ta cùng chung sức tháo gỡ cho nông nghiệp. Bây giờ xuất khẩu giảm mạnh cần hỗ trợ thế nào đây? Tôi đề nghị các bộ tập trung hỗ trợ cho nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp. Chính phủ cũng sẽ chủ trì cuộc họp thống nhất kiến nghị các giải pháp tức thì, cái gì hỗ trợ được cho nông dân, cho lĩnh vực nông nghiệp thì phải hỗ trợ ngay.
|
Sản xuất đồ chơi bằng gỗ xuất khẩu tại Công ty gỗ Đức Thành. Ảnh: Cao Thăng |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu ngay trong năm nay phải tiến hành cổ phần hóa 289 doanh nghiệp nhà nước, không chỉ cổ phần hoá doanh nghiệp, mà rà soát bán tiếp phần vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ, hiệu quả thấp, đồng thời đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành.Việc tái cơ cấu ngân hàng đang được thực hiện đúng lộ trình, với sự chỉ đạo giám sát chặt chẽ của Chính phủ, đảm bảo tái cơ cấu nằm trong tầm kiểm soát và an toàn.
Đảm bảo kế hoạch xuất khẩu năm 2015
Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê, cao su và nhiên liệu, khoáng sản... Bên cạnh đó, còn có thúc đẩy xuất khẩu phát triển bền vững thông qua mở rộng, tìm kiếm các thị trường mới. Về điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh cho rằng: Hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do trong công cuộc hội nhập của Việt Nam đang được tích cực triển khai. Chúng ta có cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, các đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương, cũng như là Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Châu âu, Liên minh Thuế quan với Nga- Belarus, Kazakhstan đều đang được triển khai tích cực.Các Hiệp định Thương mại tự do khác với Hàn Quốc, với Chi lê cũng được triển khai và có hiệu lực, đang mở ra những cơ hội cho chúng ta thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Cùng với các biện pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch; Bộ Tài chính sửa đổi các loại thuế đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam đồng thời không làm giảm nguồn thu của ngân sách. Các bộ, ngành cũng sẽ phối hợp chặt chẽ, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng nhập khẩu; tập trung giải ngân các nguồn vốn đầu tư, thực hiện nghiêm túc công tác xây dựng luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, chú trọng chăm lo đời sống cho người có công, đồng bào dân tộc thiểu số và đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội./.