Tăng cường quản lý thông tin trên mạng internet

Tăng cường quản lý thông tin trên mạng internet - ảnh 1


(VOV5) - Tòa án nhân dân thành phố HCM vừa tuyên phạt một  số người viết blog, với tội danh tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa, theo điều 88 Bộ Luật Hình sự. Trước đó, cơ quan an ninh đã phát hiện một số trang thông tin điện tử có hành vi tuyên truyền, kích động, xuyên tạc nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vu khống và bịa đặt thông tin đối với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thông tin vu khống, xuyên tạc trong xã hội ảo thực sự đã gây những mối nguy có thật, đặt ra vấn đề phải tăng cường quản lý thông tin trên mạng internet hơn nữa để đảm bảo Hiến pháp, pháp luật, vì sự phát triển của đất nước Việt Nam.

Như đã thông tin, phiên tòa xét xử một số bloger vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình sự vừa diễn ra tuần trước tại thành phố HCM. Trước đó, ngày 12/9, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý việc một số trang thông tin điện tử (blog, mạng xã hội) đăng tải thông tin có nội dung vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước VN, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội.Việc đưa các thông tin gây nhiễu, xuyên tạc, bịa đặt, tạo những dư luận xấu thực sự là những thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Việt Nam, như lời Bộ Trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận định: “Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng interenet để tuyên truyền, chống phá VN trên nhiều mặt trận, nhiều lĩnh vực, trong đó có cả chính trị, kinh tế và tư tưởng. Chúng không từ một thủ đoạn nào, kể cả thủ đoạn trộn lẫn trắng- đen, phải- trái, mục đích để bôi đen, suy diễn, với ý đồ nói xấu, bịa đặt thông tin, gây chia rẽ nội bộ, kích động, đả phá vai trò lãnh đạo của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử văn hóa của dân tộc, xuyên tạc đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Có thể nói đây là một mưu đồ lợi dụng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng của chúng ta hiện nay để gây mâu thuẫn nội bộ trong Đảng, tuyên truyền kích động gây phương hại đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, làm ngăn cản mục đích tốt đẹp của Nghị quyết TW 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng”.


Ngay sau khi Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn ngừa hiểm họa thông tin bịa đặt trên mạng interent, trên một số trang mạng xã hội, blog lại xuất hiện các thông tin ngụy biện rằng, viết, bình luận trên internet là quyền tự do thông tin, việc siết chặt quản lý internet là vi phạm “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”... Về các phiên tòa xét xử các bloger, một số tổ chức nước ngoài tỏ ra “ quan ngại” về tình hình tự do ngôn luận và nhân quyền của VN. Tuy nhiên, cần thiết phải khẳng định rằng những lo ngại này là không có cơ sở khoa học. Ở Việt Nam hay nhiều quốc gia trên thế giới, việc thông tin trên internet đều phải tuân thủ những quy định, nguyên tắc cụ thể, trong đó dù ở nước đang phát triển hay các nước phát triển, các thông tin đăng tải lên internet phải đảm bảo tính khách quan, chính xác. Các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ cá nhân, tổ chức đều là phạm pháp và người vi phạm phải chịu trách nhiệm trước luật pháp. Việc tăng cường điều tra, xử lý các trang mạng xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc việc các tòa án kết tội các bloger là nằm trong tiến trình tăng cường quản lý thông tin trên mạng internet theo đúng quy định của hiến pháp, pháp luật, đảm bảo mọi người dân dược thực thi đầy đủ các quyền của mình trong khuôn khổ pháp luật. Về điều này, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã nêu rõ: “Bộ Thông tin Truyền thông đã xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung quản lý và sử dụng các thông tin trên interenet. Trong thời gian qua, Bộ cũng thực hiện nhiều biện pháp để quản lý và chấn chỉnh những sai phạm về việc đưa thông tin trên mạng internet theo hướng, nhẹ thì nhắc nhở, phê bình, cao hơn nữa là xử phạt hành chính, nặng hơn nữa thì có thể thu hồi tên miền, rút giấy phép. Nếu vi phạm pháp luật của nhà nước thì chuyển các cơ quan báo vệ pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Cũng cần phải nói thêm rằng, tại các nước phát triển, nơi được cho là mảnh đất của tự do ngôn luận, tự do báo chí, chính quyền các nước này cũng đặt ra các điều khoản cụ thể quản lý thông tin trên internet và nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm đã bị xử lý. Cảnh sát Italia từng bắt giữ Roberto Mancini, một bloger 59 tuổi, xử phạt tới 16.900 USD do người này lên mạng đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống người khác. Tại Pháp, Christopher lên blog đưa những bài viết có nội dung chỉ trích thị trưởng thành phố Puteaux mang tính xuyên tạc, bịa đặt, đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ và xử lý. Tòa án Ai Cập kết án 3 năm tù giam đối với blogger Suleiman, 22 tuổi vì có hành vi phỉ báng đạo Hồi và phỉ báng Tổng thống trên mạng internet. Còn tại Mỹ, chuyện blogger viết bài xuyên tạc trên mạng và bị kiện, xử lý trước tòa cũng không hiếm.Ở Liên bang Nga, ngày 30/7 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật sửa đổi về internet của Nga, trong đó quy định các website chứa những thông tin bị coi là nguy hiểm đều bị nghiêm cấm hoạt động.Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ký ban hành luật chống vu khống mà theo đó, người nào có hành vi vu khống trên mạng internet, sẽ bị xử phạt nhiều mức, trong đó có cải tạo và phạt tiền lên đến 5 triệu rúp.

Có thể thấy rõ, tùy thể chế chính trị và điều kiện xã hội của từng quốc gia mà có các quy định quản lý khác nhau về thông tin trên internet; song nguyên tắc chung là không chấp nhận việc thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và cao hơn là xâm phạm an ninh quốc gia. Và vì thế, việc Nhà nước VN đưa ra các quy định quản lý thông tin trên internet cũng như xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm là phù hợp thực tiễn chung, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế về quyền con người, trong đó có công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị./.

Phản hồi

Các tin/bài khác