Tăng tổng cầu cho nền kinh tế


(VOV5) - Tăng tổng cầu cho nền kinh tế để hỗ trợ thị trường là một trong những yêu cầu mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra trong phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 5, diễn ra hôm qua, tại Hà nội. Theo Thủ tướng, việc tăng tổng cầu phải không gây lạm phát cho năm sau và đảm bảo cho tăng trưởng hợp lý. Hồng Vân, Biên tập viên Đài TNVN  tổng hợp vấn đề này.
 
Thủ tướng khẳng định việc tăng tổng cầu cho nền kinh tế không phải là gói kích cầu mới của Chính phủ mà tăng tổng cầu theo kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và không làm lạm phát quay trở lại. Theo đó, trước hết, các ngành liên quan cần đưa tín dụng vào những lĩnh vực đang rất cần vốn như lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “5 tháng qua dư nợ tín dụng còn âm. Trong khi đó ngân hàng thì thừa tiền, kế hoạch của nhà nước là tăng dư nợ 15-17%, thì bây giờ phải đưa tiền ra qua kênh tín dụng. Dự địa này rất là lớn mà việc đưa ra rất có ý nghĩa cho 2 việc. Thứ nhất là không để lạm phát quá thấp. Thứ hai là trực tiếp hỗ trợ duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Tín dụng đưa ra không phải bất kỳ mà đòi hỏi vào đúng địa chỉ đạt hiệu quả. Bây giờ cố gắng đưa vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn - lĩnh vực đang cần vốn mà phát huy rất tốt hiện nay. Lĩnh vực xuất khẩu đang có đà tăng trưởng, những doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm có thị trường tiêu thụ nhưng đang khó khăn về vốn, kể cả những phân khúc thị trường bất động sản mà thị trường đang cần  như thị trường nhà ở thu nhập thấp thì phải cố gắng cho vay.”.

Tăng tổng cầu cho nền kinh tế - ảnh 1
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5


Song song với việc đưa tiền ra thị trường qua kênh tín dụng, tại phiên họp, để thực hiện việc tăng tổng cầu cho nền kinh tế theo yêu cầu của Thủ tướng, nhiều Bộ trưởng lưu ý khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp. Các áp lực tăng giá đầu vào, nhất là giá điện, xăng dầu và các vật tư thiết yếu khác đang gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Do đó, cần tập trung triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp đã đề ra trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là phát triển những lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cùng với đó, việc khoanh và xử lý nợ xấu cũng cần cân nhắc, xem xét tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nợ xấu. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu ý kiến: “Lĩnh vực bất động  sản gần như một đầu tàu của ngành sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng, và một số ngành công nghiệp khác, cho nên cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, chứ không tính nó là doanh nghiệp phi sản xuất thuần túy. Lĩnh vực bất động sản mà trong đó cơ cấu phi sản xuất là có, nhưng sản xuất trong lĩnh vực này rất nhiều. Nếu chúng ta không xử lý thì nợ xấu càng tăng, nếu có những lĩnh vực tiếp tục cho vay thêm thì sẽ sống lại, giảm nợ xấu đi. Vấn đề nữa là cho phép giãn thời gian nộp thuế GTGT cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không kể quy mô triển khai các dự án, thứ nhất là dự án bất động sản phát triển  nhà ở xã hội, các dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án nhà thương mại nhưng có điều chỉnh cơ cấu sản phẩm để phù hợp với khả năng tiêu thụ của nền kinh tế”.

Để tăng tổng cầu cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt lộ trình giảm lãi suất. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất cả huy động và cho vay theo mức giảm của lạm phát gắn với cơ chế để buộc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay. Đối với việc điều chỉnh lãi suất, tại buổi họp báo sau khi kết thúc phiên họp chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết Ngân hàng sẽ thực hiện theo hướng mặt bằng lãi suất hạ dần, phù hợp mức giảm của lạm phát, điều hành mức cung tiền và mức tăng trưởng tín dụng hợp lý trong các tháng từ nay đến cuối năm: “Lãi suất sẽ tiếp tục được xem xét điều chỉnh phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng cũng phải cân nhắc để các giải pháp để không để lạm phát quay trở lại đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp. Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ có các giải pháp và trên thực tế Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, cơ cấu lại nợ và thực hiện các biện pháp để tập trung vốn cho các lĩnh vực cần ưu tiên.”.

Các thành viên Chính phủ cũng nhất trí cần tập trung đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ, tạo cú huých cho nền kinh tế.

Các giải pháp tăng tổng cầu cho nền kinh tế mà chính phủ Việt nam tiến hành nhằm tạo thêm cú hích cho thị trường, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển mà Việt nam đã đặt ra trong năm 2012./.

            

Phản hồi

Các tin/bài khác