Tăng tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử

(VOV5) - Hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam là 24,4%. Ở Hội đồng nhân dân các cấp, tỷ lệ đại biểu nữ thấp hơn con số này.Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu có ít nhất 35% đại biểu trong Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là phụ nữ.


Sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể, từ con số 3% ở khóa I, nay đã nâng lên 24,4%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 35% đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của nhiệm kỳ 2016-2021 là phụ nữ không phải là việc dễ dàng.

Phụ nữ và việc tham gia các cơ quan dân cử

Theo bà Bùi Thị An, đại biểu quốc hội Thành phố Hà Nội, trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân phải có người đại diện cho các tầng lớp, các nhóm xã hội, trong đó bao gồm cả phụ nữ. Sự tham gia của các đại biểu nữ trong các cơ quan quyền lực này là cần thiết và có một tỷ lệ thích đáng không chỉ vì họ là một tầng lớp trong xã hội mà còn bởi phụ nữ chiếm tỷ lệ hơn 50% dân số Việt Nam. Bà Bùi Thị An cho biết:“Tôi nghĩ việc quy định 35% là rất tiến bộ và phù hợp hoàn toàn. Bây giờ vấn đề đặt ra là 35% này có khó khăn không. Tôi nghĩ rằng đối với tổng thể thì không khó lắm nhưng đi vào từng địa phương nếu không có chuẩn bị trước thì 35% là khó. Nếu địa phương nào, ngành nào có chuẩn bị từ trước thì cũng không khó. Vẫn có đầy đủ khả năng, chỉ có là cơ chế làm thế nào để đảm bảo số lượng 35% mà lại đảm bảo chất lượng, tìm được những người xuất sắc trong cơ cấu của mình”.

Tăng tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử - ảnh 1
Các đại biểu tham dự tọa đàm đã đề xuất nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia các cơ quan dân cử (Ảnh: KT)


Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị còn nhiều khó khăn, nhất là việc tăng tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử ở địa phương. Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo ở các cấp, bộ ngành, địa phương chưa đạt là do công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức nữ còn chậm. Cùng với đó là việc triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ thiếu đồng bộ, chưa gắn nhiều với hoạt động lãnh đạo, quản lý các cấp. Ngoài ra, cán bộ nữ vừa phải thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ, vừa tham gia vào hoạt động xã hội…. khiến chị em gặp nhiều rào cản hơn nam giới. Bà Hồ Thị Thủy, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng: “Các chính sách về bình đẳng giới là khá đầy đủ, từ các Nghị quyết của Đảng đến các văn bản luật nhưng vấn đề phụ nữ tham gia chính trị vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Qua giám sát cũng như thực tế, hầu như các địa phương đều chưa chú trọng công tác phát hiện, đào tạo cán bộ nữ. Theo chúng tôi, sâu xa của vấn đề này là  thiếu cơ hội và hạn chế về tuổi nghỉ hưu của nữ”.

Vì mục tiêu 35% đại biểu dân cử là nữ

Với mục tiêu tối thiểu 35% đại biểu dân cử là nữ, danh sách ứng cử viên là nữ trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sắp tới ở tất cả các khu vực phải bảo đảm tỷ lệ nhất định, không thể thấp quá so với nam giới. Việc giới thiệu ứng cử viên có vai trò quan trọng của các cấp hội phụ nữ. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cho biết Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã ký kết với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam văn bản về việc giới thiệu phụ nữ tham gia ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đảm bảo tỷ lệ. Hội cũng tổ chức khảo sát ở các tỉnh, trên cơ sở đó tham mưu với Đảng các chủ trương, chính sách đảm bảo đủ tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cũng như Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Bà Nguyễn Thị Tuyết nêu rõ:“Chúng tôi sẽ có những lớp tập huấn cho các bộ Hội.Trên cơ sở đó, các cấp Hội của chúng tôi tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho các ứng cử viên tham gia ứng cử vào Quốc hội hay Hội đồng nhân dân các cấp các kiến thức, kỹ năng khi ứng cử cũng như khi đảm nhận vai trò của một đại biểu nhân dân trong Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân các cấp”.

Tăng tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử - ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các nữ đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)


Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021, từ lâu các cấp, các ngành đã tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ nữ. Các văn bản hướng dẫn công tác nhân sự bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng quy định cụ thể tỉ lệ ứng cử viên nữ để đảm bảo tăng tỉ lệ nữ đại biểu trúng cử. Bà Nguyễn Thúy Anh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: “Tạo nguồn thì phải là công tác lâu dài nhưng chúng ta cũng phải có những giải pháp tình thế trước mắt. Bên cạnh đề xuất cần phải làm sao để tối đa hóa tỷ lệ ứng cử viên này. Bên cạnh đó, tôi cũng đồng ý với việc không chấp nhận chín ép để những người bầu cử phải là những người tốt nhất trong danh sách đó và trong đó phụ nữ phải đảm bảo về tỷ lệ như chúng ta mong muốn”.


Nâng cao tỷ lệ nữ tham gia vào Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 là thiết thực thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và sự phát triển của xã hội Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác