Tạo đà thúc đẩy đối thoại hạt nhân

(VOV5) - Hôm nay, tại Bắc Kinh, diễn ra cuộc đàm phán song phương ở cấp Thứ trưởng ngoại giao đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên kể sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il qua đời (tháng 12 năm 2011). Tuy được dự báo là sẽ khó có kết quả đột phá nhưng theo giới quan sát, cuộc đàm phán sẽ cho thấy quan điểm, mức độ thiện chí của cả Mỹ và CHDCND Triều Tiên trong việc cải thiện quan hệ song phương cũng như tạo tiền đề để thúc đẩy việc nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới.

Tạo đà thúc đẩy đối thoại hạt nhân           - ảnh 1
Ảnh: Internet

Đối thoại Hoa Kỳ - CHDCND Triều Tiên lần này nhằm khẳng định lại thoả thuận mà theo đó Mỹ yêu cầu CHDCND Triều Tiên ngừng chương trình làm giàu uranium (UEP) có kiểm chứng và giám sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đổi lại Bình Nhưỡng sẽ nhận được hỗ trợ lương thực từ Mỹ. Ngoài ra đây cũng là cơ hội để thuyết phục CHDCND Triều Tiên quay lại bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân đã bị ngưng trệ từ tháng 4/2009.

Theo giới quan sát, đây đều là những nội dung không mới so với những cuộc đàm phán trước đó và dường như kết quả đàm phán cũng được các bên dự đoán trước. Nhiều nhà phân tích cho rằng điều đó không quan trọng mà điều tích cực nhất của đàm phán lần này có lẽ là việc đàm phán đã được 2 bên tiến hành cũng đồng nghĩa với việc đối thoại trực tiếp vẫn được duy trì. Sâu xa hơn, thông qua đàm phán sẽ phản ánh được lập trường, chính sách của Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên trong giai đoạn chuyển giao quyền lực tại Bình Nhưỡng. Điều này được minh chứng bằng việc ngay sau khi tới Bắc Kinh ngày 22/2, trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ, đặc phái viên Glyn Davies, cho biết ông muốn được thấy các biểu hiện về chính sách của nhà lãnh đạo mới Kim Jong - un. Mỹ cũng cần được nhìn thấy việc liệu CHDCND Triều Tiên có sẵn lòng thực hiện những bước đi để làm yên lòng quốc tế hay không. Trong khi đó, với CHDCND Triều Tiên, cuộc đàm phán cũng là cơ hội để kiểm chứng lời khẳng định của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton trước đó, khi bà tuyên bố Mỹ hy vọng sẽ cải thiện mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un.


Không chỉ riêng Mỹ và CHDCND Triều Tiên muốn thăm dò thái độ của nhau mà nhiều nước ở Đông Bắc Á cũng xem đàm phán này là cơ hội để dự đoán khả năng  nối lại đàm phán 6 bên ( LB Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, CHDCND Triều Tiên) về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Chính vì vậy, ngay trước thềm đàm phán, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố Bắc Kinh hy vọng đàm phán song phương giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên sẽ đạt được kết quả tích cực, tạo tiền đề cho việc thúc đẩy nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Hàn Quốc khẳng định đây là cuộc gặp đáng mong đợi vì nó sẽ mở ra cơ hội nối lại tiến trình đàm phán sáu bên vốn đã bị ngưng trệ kể từ sau cái chết của ông Kim Jong-il. Về phía Nhật Bản, Ngoại trưởng Koichiro Gemba cho biết Nhật Bản hoan nghênh việc Mỹ và CHDCND Triều Tiên đối thoại. Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác như Mỹ, Hàn Quốc… trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù được nhận định đàm phán song phương cấp cao Hoa Kỳ - CHDCND Triều Tiên lần này chỉ là bước thăm dò thái độ của các bên những nó cũng cho thấy 2 bên xích lại gần nhau để cùng giải quyết những bất đồng cố hữu xưa nay, nói cách khác xu thế đối thoại đã thay thế cho xu hướng đối đầu./.

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác