Tết Ất Mùi: Tết của sự sẻ chia

(VOV5) - Lo cho người nghèo có cái Tết đầy đủ luôn là chủ trương được Nhà nước Việt Nam chú trọng và thực hiện hiệu quả, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam vẫn chiếm khoảng 6% dân số. Cùng với sự vào cuộc từ phía Nhà nước, xã hội cũng ghi nhận sự góp sức hiệu quả của cộng đồng trong việc chăm lo Tết cho người nghèo. Sự chung tay của toàn xã hội và sức lan tỏa của những nghĩa cử cao đẹp này không chỉ mang đến một mùa Xuân ấm áp cho người nghèo mà còn góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội của Việt Nam.



Công cuộc xoá đói giảm nghèo của Việt Nam trong nhiều năm qua luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam còn gần 1,8 triệu hộ nghèo và hơn 1,4 triệu hộ cận nghèo cùng với đó là nhiều gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, việc lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách luôn được các ngành, các cấp thực hiện đồng bộ, thường xuyên hàng năm.


Tết Ất Mùi: Tết của sự sẻ chia - ảnh 1


Triển khai thống nhất từ TW đến địa phương

Hiện thực hóa chủ trương "Tất cả mọi người dân đều có Tết",  đầu năm 2015, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ với hộ gia đình nghèo, đối tượng chính sách. Theo đó, gần 400 tỷ đồng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mua quà Tết tặng các đối tượng có công với cách mạng. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp gần hàng nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho một số tỉnh để hỗ trợ nhân dân trong dịp Tết nguyên đán năm 2015. Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết:  Nhóm đối tượng khó khăn neo đơn, người nghèo luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Riêng ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chỉ đạo, triển khai thực hiện ở 2 mảng lớn. Thứ nhất là trợ giúp đột suất, hỗ trợ gạo cho người dân ăn Tết. Thứ hai là chỉ đạo thực hiện các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, tập trung trợ cấp đối với nhóm đối tượng bảo trợ xã hội khó khăn.


Tại nhiều địa phương, các hoạt động giúp đỡ các gia đình chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn cũng diễn ra tích cực. Ngoài những hỗ trợ từ Trung ương, năm nay, mức hỗ trợ lo Tết cho người nghèo, người có công, đối tượng chính sách tại nhiều tỉnh đều tăng từ 10 - 20% so với năm ngoái. Đơn cử như TP Hồ Chí Minh dành gần 200 tỷ đồng chăm lo Tết cho người trong diện chính sách, người có công (tăng khoảng 20%). UBND tỉnh Bình Dương dành khoảng 146 tỉ đồng để chăm lo Tết Ất Mùi, tăng 15% so với năm 2014. Thành phố Hà Nội quyết định trích ngân sách hơn 230 tỷ đồng để tặng quà cho các đối tượng hưởng chính sách và hỗ trợ gia đình thuộc diện hộ nghèo. Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Chính sách lao động, việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội), cho biết: Trong dịp này, thành phố không chỉ có chính sách đối với hộ nghèo mà cả chính sách đối với người có công. Với khoảng 70 nghìn người có công, ngoài quà Tết của Chính phủ, của Chủ tịch nước, thành phố cũng trích ngân sách hỗ trợ thêm với 2 mức 500 nghìn và 300 nghìn đồng một người, đảm bảo cho người có công có một cái Tết ấm áp.


Tết Ất Mùi: Tết của sự sẻ chia - ảnh 2
VOV5 tặng quà cho trẻ em vùng cao

Sự chung tay của toàn xã hội


Cùng với ngân sách Nhà nước, việc huy động, vận động các nguồn lực từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa của Mặt trận tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, các tổ chức quốc tế, cộng đồng để lo Tết cho người nghèo, người có công, gia đình chính sách được chú trọng. Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết:  Vào dịp Tết, các Tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ở địa phương cũng được vận động hỗ trợ tiền, quà cho lo Tết cho nhóm đối tượng khó khăn. Ví dụ, với người cao tuổi cô đơn, không nơi lương tựa thì các doanh nghiệp cũng có tặng quà, tiền. Hội Người cao tuổi cũng tổ chức chúc thọ, mừng thọ và động viên thăm hỏi người cao tuổi. Các tổ chức của Hội người khuyết tật cũng vận động quyên góp, ủng hộ cho người khuyết tật dịp Tết. Hội Chữ thập đỏ,các tổ chức phi Chính phủ cũng đều tăng cường hơn trong vận động, tổ chức hỗ trợ cho các nhóm đối tượng, hướng tới đảm bảo Tết cho nhóm bảo trợ xã hội và người nghèo được tốt nhất.


Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng chủ động góp kinh phí để chăm lo Tết cho người nghèo. Nhiều siêu thị, nhiều khu công nghiệp trên cả nước góp tặng hàng nghìn suất quà Tết cho hộ nghèo. Song song với đó là vận chuyển hàng hóa đến các xã miền núi, khu công nghiệp để phục vụ bà con dân tộc, người lao động nghèo. Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng, cho biết: Chúng tôi đưa những mặt hàng thiết yếu và những mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân đến những nơi khó khăn. Chúng tôi giảm từ 5 đến 20% so với giá bán hiện tại ở đơn vị nhằm chia sẻ nhu cầu mua sắm của người dân trong những ngày Tết.



Ngoài hỗ trợ quà, nhiều doanh nghiệp, đoàn thể cũng tạo thuận lợi để người lao động nghèo về quê đón Tết. Theo đó hàng chục nghìn vé xe được tặng cho công nhân các khu công nghiệp, cho sinh viên nghèo. Bí thư Đoàn trường Đại học Đà Nẵng Nguyễn Đức Tiến cho biết: Dịp Tết Ất Mùi, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên Đại học Đà Nẵng tiến hành trao vé tàu xe về Tết cho sinh viên, hỗ trợ cho các bạn một phần kinh phí đi lại đối với những sinh viên ở xa có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi trao từ 250 đến 300 suất với số tiền từ 50 đến 60 triệu đồng, còn lại là huy động thêm từ các nguồn khác để hỗ trợ cho các em.

Sự chủ động của các cấp chính quyền trong việc chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách có cái Tết đầy đủ cùng với sự sẻ chia của cộng đồng là minh chứng thuyết phục cho tinh thần đoàn kết của người Việt Nam, cụ thể hóa chính sách an sinh xã hội mà Việt Nam đề ra./. 

Phản hồi

Các tin/bài khác