Thế cờ đảo ngược trên chính trường Italia

(VOV5)- Việc cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi bất ngờ thay đổi lập trường vào phút chót đã giúp cho chính phủ liên minh tả - hữu của Thủ tướng Italy Enrico Letta vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 2/10 tại Thượng viện và Hạ viện.

Không chỉ vậy, nó còn giúp cho Italia tránh được một cuộc khủng hoảng chính phủ nghiêm trọng và khả năng phải tổ chức tổng tuyển cử sớm. Tuy thoát khỏi nguy cơ giải tán Chính phủ song Thủ tướng Enrico Letta đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức về kinh tế cần giải quyết.


Ngày lịch sử của Thủ tướng Enrico Letta
Một ngày trước khi bỏ phiếu tại Quốc hội, Italy được nhận định đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng chính trị sau khi đảng Nhân dân Tự do (PDL) trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi rút tất cả 5 Bộ trưởng thuộc đảng này ra khỏi Chính phủ liên minh với đảng Dân chủ (PD) trung tả của Thủ tướng Letta.

Tuy nhiên bài phát biểu cam kết cắt giảm thuế, thực hiện các cải cách về kinh tế và tư pháp tại Thượng viện của Thủ tướng Enrico Letta đưa ra trước khi bỏ phiếu đã khiến thái độ của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi xoay chuyển 180 độ. Từ việc chống đối Chính phủ hiện tại, phe của ông Silvio Berlusconi quyết định quay ra ủng hộ.


Tình huống bất ngờ này khiến giới chính trị gia ở Italia thở phào nhẹ nhõm. Chẳng thế mà phát biểu với báo giới sau khi giành thắng lợi tại Thượng viện, Thủ tướng Enrico Letta tuyên bố đây là một ngày lịch sử và tình thế đã sáng sủa hơn để Italy hướng xa về phía trước. Trước đó, Thủ tướng Enrico Letta khẳng định rằng sự ổn định chính trị của Italy là điều quan trọng sống còn để nước này tiếp tục thực hiện những cải cách kinh tế nhằm vượt qua cuộc suy thoái kinh tế được cho là kéo dài nhất trong 20 năm qua.

Thế cờ đảo ngược trên chính trường Italia - ảnh 1
Tổng thống Italia G.Napolitano (trái) và Thủ tướng E.Letta. Ảnh: AFP

Nhiệm vụ khó khăn trước mắt
Sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại 2 viện Quốc hội, vấn đề đầu tiên và duy nhất mà Thủ tướng Enrico Letta quan tâm là kinh tế. Điều đó cũng đủ thấy hồi phục nền kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo quốc gia hình chiếc ủng này. Thủ tướng Enrico Letta nêu rõ sẽ thúc đẩy kinh tế Italia tăng trưởng 1% trong năm 2014 và cao hơn trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, ông còn cam kết sẽ tôn trọng các quy định về tài khóa, theo đó duy trì thâm hụt ngân sách 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức giới hạn Liên minh châu Âu đặt ra cho các nước thành viên.


Mục tiêu này có cơ sở khi theo báo cáo đầu tháng 8 vừa qua của Cơ quan thống kê quốc gia Italia (ISTAT), đã xuất hiện dấu hiệu tương đối tích cực cho thấy tốc độ suy thoái của nước này đang dần chậm lại. Một số chuyên gia nhận định trong quý IV-2013, nền kinh tế của Italia có thể bắt đầu phục hồi. 
Tuy nhiên, chính phủ của ông Enrico Letta không dễ dàng đạt được các mục tiêu trên nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Italy đang đối mặt với khá nhiều khó khăn. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2/2013 sụt giảm 0,3% so với quý trước và là quý tăng trưởng âm thứ 8 liên tiếp. Italy cũng là một trong những nước có mức nợ công cao nhất châu Âu. Những dự báo mới đây nhất cho thấy nợ công của Italy trong năm nay có thể sẽ vượt quá 2.000 tỷ euro, chiếm 132,9% GDP, cao hơn nhiều so với mức 127% GDP của năm 2012.

Kinh tế ì ạch kéo theo tình trạng thất nghiệp gia tăng. Số liệu từ Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) cho biết trong tháng 8/2013, tỷ lệ thất nghiệp tổng thể đang đứng ở mức cao 12,2% so với 12,1% của tháng 7/2013. Đó là chưa kể đến sự mong manh, thiếu bền vững của liên minh tả - hữu cầm quyền dẫn đến quyết định bỏ phiếu tại Quốc hội ngày 2/10 là ví dụ điển hình. Là nước lớn thứ 3 trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mọi sự biến động tại Italia đều có ảnh hưởng không nhỏ tới toàn khu vực. Việc chính phủ liên minh tả - hữu của Thủ tướng Enrico Letta vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội là cơ hội để liên minh này tiếp tục nỗ lực phục hồi kinh tế với sau 2 năm suy thoái với đầy rẫy những khó khăn./.

Phản hồi

Các tin/bài khác