(VOV5) - Bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn đối thoại Shangri-La lần thứ 12 vừa diễn ra tại Singapore tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực của dư luận quốc tế. Không chỉ đề cập đến chính sách đối ngoại và quốc phòng – an ninh của Việt Nam, bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam còn được đánh giá là chuyển một thông điệp rõ ràng là muốn có hòa bình thì trước hết cần phải xây dựng lòng tin chiến lược và một khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng không thể thiếu sự tôn trọng và nhất quán mục tiêu xây dựng hòa bình của từng quốc gia.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La và trả lời câu hỏi của các đại biểu |
Trước hết có thể khẳng định, Diễn đàn đối thoại Shangri-La thu hút sự chú ý lớn của dư luận quốc tế bởi đây là một sự kiện chính trị quan trọng, là một cơ chế để bảo đảm an ninh và đối thoại giữa tất cả các quốc gia liên quan đến khu vực này. Tất nhiên, Shangri-La không phải là diễn đàn duy nhất về an ninh quốc phòng bởi còn có nhiều cơ chế khác, diễn đàn khác của khu vực bên cạnh Shangri-La như ARF (Diễn đàn an ninh khu vực), ADMM+ (Hội nghị quốc phòng ASEAN mở rộng)…, nhưng sức nóng của Shangri-La là rất lớn. Không có tuyên bố chung, không ràng buộc bởi các văn bản, thỏa thuận ký kết, Shangri-La là một diễn đàn mở mà ở đó các nước liên quan có thể gặp gỡ, đối thoại trực tiếp và tạo dựng lòng tin về chủ đề an ninh. Trong một khu vực mà cấu trúc địa chính trị còn nhiều bất ổn thì Đối thoại Shangri-La là một kênh đối thoại an ninh quan trọng và thiết thực.
Chính vì thế, sự xuất hiện của Thủ tướng Việt Nam trong vai trò diễn giả chính với bài diễn văn đề dẫn khơi dậy niềm tin về một khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, lập tức thu hút sự chú ý của dư luận. Chuyên gia nổi tiếng về Đông Nam Á, ông David Camroux, hiện là giảng viên trường Chính trị Paris, Phó Tổng biên tập tờ Current Southeast, Asia Affairs, cho rằng: “Đây là một chi tiết quan trọng mang tính biểu tượng bởi chúng ta đều biết Indonesia là nước lớn nhất trong khối ASEAN nên việc Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là diễn giả chính ở Shangri-La cho thấy Việt Nam có một vị trí trung tâm trong các vấn đề địa chính trị của khu vực”.
Ông David Camroux nhấn mạnh có thể nhận thấy rõ sự xen kẽ của những quan điểm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam ở bài phát biểu này. Không chỉ tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại yêu chuộng hòa bình và có trách nhiệm của Việt Nam, Việt Nam còn đề xuất phương hướng xử lý các vấn đề liên quan đến duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, trong đó có vấn đề an ninh ở biển Đông, một vấn đề liên quan đến lợi ích sát sườn của Việt Nam. Ông David Camroux khẳng định Việt Nam có quan điểm hoàn toàn đúng đắn khi coi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phải được thảo luận trên cơ sở đa phương, tức là vấn đề này cần được quốc tế hóa.
Đồng tình với quan điểm của ông David Camroux, Phó Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn đông, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, cũng nêu rõ Việt Nam hoàn toàn đúng đắn khi đề cập xu thế tăng cường cạnh tranh và can dự của các nước lớn trong khu vực. Bởi trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hiện nay, hợp tác, liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh vực, đối thoại giải quyết các bất đồng, đang là xu hướng chủ đạo: “Tôi muốn lưu ý đến một chi tiết, đó là trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng Việt Nam không phản đối sự can dự tích cực của các nước lớn ngoài khu vực nhằm củng cố hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển. Bài phát biểu cũng khẳng định cần thiết phải lắng nghe các tiếng nói đúng đắn của các nước nhỏ, càng lắng nghe các ý kiến khách quan của các nước nhỏ thì càng có lợi. Cá nhân tôi là nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng xét về góc độ kinh tế Việt Nam không phải là nước nhỏ. Ngày nay, uy tín của Việt Nam đang tăng trên trường quốc tế. Chính Hội nghị Shangri-La và bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam vừa qua cũng đang khẳng định ảnh hưởng của Việt Nam ngày càng được củng cố và tiếng nói của Việt Nam ngày càng được lắng nghe.”
Nhà phân tích chính trị khác của Nga Petr Tsvetov nhận định bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra rất đúng đắn bản chất của các cuộc xung đột, bất đồng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính sự hoài nghi chính trị làm nảy sinh tình trạng bế tắc, dẫn đến các cuộc xung đột. Quan điểm của Thủ tướng Việt Nam đã đánh giá một cách kịp thời, đúng đắn và công bằng các giải pháp cho các vấn đề của thế giới cũng như của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và các chuẩn mực luật pháp quốc tế cơ bản đã được công nhận. Trong khi đó, Giáo sư Geoffrey Till của Trường King’s College, Anh nhận định: Những gì Thủ tướng Việt Nam nói là hoàn toàn đúng đắn. Đó là cách duy nhất mà các nước ở khu vực còn mâu thuẫn về lãnh hải có thể giải quyết.
Ngắn gọn, dễ hiểu, những thông điệp chính sách lớn, mang tầm chiến lược về những vấn đề thuộc quan tâm chung nổi lên tại Châu Á-Thái Bình Dương trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình rộng rãi của dư luận. Hướng tới một nền hòa bình và an ninh đích thực giờ đây không chỉ là mong muốn, trọng tâm ưu tiên của mỗi quốc gia mà còn trở thành xu thế không thể đảo ngược./.