Tranh thủ nguồn lực lớn hơn cho phát triển đất nước

(VOV5) - Tăng cường ngoại giao phục vụ kinh tế là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại quốc gia của Việt Nam trong năm 2013 cũng như trong giai đoạn mới, để tranh thủ được những nguồn lực lớn hơn cho phát triển đất nước. Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, khai phá những thị trường mới có tiềm năng to lớn, các doanh nghiệp Việt Nam rất cần có sự hậu thuẫn, mở đường của các hoạt động ngoại giao. Đây không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp Việt Nam mà còn là quyết tâm của ngành ngoại giao Việt Nam trong năm 2013, được Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định nhân dịp đầu Xuân mới Quý Tỵ 2013, trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”. Biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam trích một số nội dung trong chương trình này:


Tranh thủ nguồn lực lớn hơn cho phát triển đất nước - ảnh 1
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (Ảnh: vneconomy.vn)



Năm 2012, dù tình hình kinh tế khó khăn, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam vẫn đạt hơn 13 tỷ USD, các nhà tài trợ vẫn dành cho Việt Nam một khoản ODA hơn 6,4 tỷ USD. Những con số trên phần nào thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế đối với triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, năm qua, lượng kiều hối mà kiều bào đã gửi về Việt Nam tăng mạnh so với năm 2011, ước đạt hơn 10 tỉ USD, qua đó đưa Việt Nam trở thành nước nhận kiều hối nhiều thứ 7 thế giới. Lượng kiều hối được kiều bào gửi về chủ yếu là để đầu tư, phát triển, sản xuất cũng như hỗ trợ cho gia đình xây dựng nhà cửa, hỗ trợ cải thiện đời sống vật chất. Đặc biệt, lượng kiều hối này đã chuyển đến vùng nông thôn, vùng xa xôi hẻo lánh đóng góp vào xóa đói giảm nghèo. Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhận định: “Lượng kiều hối này chiếm 60-70% nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam kể từ năm 1991 đến nay. Đây là nguồn tiền thực để đóng góp vào phát triển đất nước, góp phần vào bình ổn tỷ giá, cũng như tăng lượng dự trữ ngoại tệ cho Việt Nam. Chúng ta rất trân trọng, những người Việt Nam lao động, học tập tại nước ngoài gửi kiều hối về, điều này vừa ích nước, vừa lợi nhà”.

Một điểm ấn tượng trong năm 2012 là lần đầu tiên, Việt Nam xuất siêu sau 19 năm, được giới chuyên gia đánh giá là một trong những điểm sáng vô cùng quan trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn. Thành tựu này có được là do kết quả nỗ lực chung của nền kinh tế cũng như sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành ngoại giao.

Năm 2013, kinh tế thế giới được dự báo là sẽ tiếp tục khó khăn nhưng Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục tập trung tham mưu, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế, đánh giá xu thế, chiều hướng kinh tế của các nước để cung cấp thông tin, tham mưu cho các Bộ, ngành, doanh nghiệp trong nước. Ngành ngoại giao cũng tăng cường tìm hiểu, phát hiện các thị trường, các nước có tiềm năng hợp tác của Việt Nam với bên ngoài, giới thiệu cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, ngành ngoại giao hỗ trợ bảo vệ uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường thế giới trước nguy cơ bị kiện chống trợ cấp của Hoa Kỳ: “Bộ Ngoại giao đã sớm có thông tin về việc này để cung cấp cho các Bộ, ngành và doanh nghiệp của Việt Nam. Từ nay đến tháng 7, là thời điểm phía Hoa Kỳ đưa ra quyết định về vụ việc này, Bộ ngoại giao sẽ phối hợp với Bộ công thương và Hiệp hội xuất khẩu tôm của Việt Nam để triển khai 1 số biện pháp cụ thể. Thứ nhất là phối hợp với Bộ thương mại, Ủy ban thương mại quốc tế của Hoa Kỳ, đây là 2 cơ quan chính xử lý vụ kiện này, đánh giá khách quan sự tác động của vụ việc đối với người sản xuất tôm của Việt Nam và người tiêu dùng Hoa Kỳ. Biện pháp thứ 2 là chúng ta phối hợp với các đối tác, các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ để cung cấp những thông tin khách quan để họ lên tiếng phản đối vụ kiện bất hợp lý này”.

Hiện, Việt Nam có gần 100 cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài. Có thể nói các cơ quan đại diện ngoại giao đang hoạt động rất tích cực triển khai các chương trình, các kế hoạch tăng cường ngoại giao kinh tế. Năm 2012, ngành ngoại giao đã hoàn thành việc xây dựng Chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có chiến lược hợp tác với từng quốc gia, từng tổ chức, khu vực về xuất nhập khẩu, đầu tư…, để tranh thủ được những nguồn lực lớn hơn cho phát triển đất nước. Năm 2013, ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục được triểu khai sâu rộng và hiệu quả, trong bối cảnh đất nước cũng như thế giới ở vào giai đoạn phát triển mới. Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định: “Trong năm 2013, chúng ta vẫn tiếp tục chiều hướng tăng cường quan hệ với Mỹ Latinh nhưng đồng thời mở rộng ra các khu vực khác, đó là khu vực Trung Đông, châu Phi còn rất nhiều tiềm năng và ngoại giao thì cần phải mở đường, phát hiện ra những thị trường đó cho trong nước”.

Là 1 trong 3 trụ cột của ngoại giao Việt Nam, cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế đang tích cực thể hiện vai trò tham mưu, đánh giá xu thế tình hình, đề xuất lựa chọn đúng đối tác kinh tế - thương mại theo định hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, góp phần đem lại những nguồn lực lớn hơn cho đất nước./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác