Truyền thông chủ động thông tin để định hướng xã hội

(VOV5) -  Năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên tất cả lĩnh vực như báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin để đảm bảo an toàn thông tin…Điều này nhằm thiết thực triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, trong đó có nội dung Quy hoạch phát triển báo chí Việt Nam đến năm 2025. 


Truyền thông chủ động thông tin để định hướng xã hội - ảnh 1

Khai mạc hội báo Xuân Ất Mùi tại tỉnh Lào Cai

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trương Minh Tuấn, khẳng định rõ các định hướng phát triển của lĩnh vực truyền thông trong thời gian tới, trong đó việc trọng tâm là quy hoạch phát triển báo chí.


Hoàn thiện Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn chỉnh Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 để trình Bộ Chính trị trong thời gian tới. Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí nhằm tạo hành lang pháp lý để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 nhấn mạnh việc phát triển đi đôi với đó là quản lý tốt. Nhiều người nghĩ đơn giản Đề án chỉ là sắp xếp lại báo chí. Đúng là có sắp xếp lại báo chí nhưng sắp xếp trên cơ sở để báo chí phát triển mạnh và đúng định hướng hơn, thông tin đến người dân đầy đủ, chính xác hơn. Báo chí của Việt Nam là báo chí cách mạng. Báo chí phải là cơ quan ngôn luận, là diễn đàn của nhân dân, nêu được những vấn đề người dân quan tâm và đưa được chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với người dân. Vì vậy, báo chí phải khách quan, trung thực và nhanh nhạy trong thông tin.

 Hiện Việt Nam có 845 cơ quan báo chí. Theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, việc tổ chức sắp xếp các cơ quan báo chí sẽ được triển khai theo hướng thành lập các cơ quan báo chí đa phương tiện. Điều quan trọng hơn nữa là các ấn phẩm, các tờ báo thiếu bản sắc, thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, sai lệch thực tế, vi phạm bản quyền sẽ bị dẹp bỏ. Các cơ quan báo chí cũng sẽ được tạo điều kiện tối đa để phát triển kịp với tiến trình phát triển của khoa học công nghệ. 

Phát triển đi đôi với quản lý

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Internet và mạng xã hội ngày càng phát triển. Đây là xu thế chung của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Việc Internet và mạng xã hội tại Việt Nam phát triển rất mạnh là cơ hội để người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh, nhạy và toàn diện nhất nhưng cũng đặt ra thách thức cho việc quản lý báo chí, truyền thông ở Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đặt ra trong năm 2015 là quản lý sao cho thông tin độc hại không làm nhiễu loạn môi trường truyền thông của Việt Nam. Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: Trong lĩnh vực thông tin, cứ thông tin nào đi trước thì có lợi hơn. Chính vì vậy chúng ta phải chủ động thông tin và các cơ quan báo chí phải vào cuộc, những người làm báo phải vào cuộc để chủ động cung cấp thông tin cho toàn dân biết. Thứ hai, các cơ quan nhà nước cũng phải chủ động cung cấp thông tin nhất là đối với lĩnh vực liên quan sát sườn, người dân quan tâm hơn thì ta phải chủ động cung cấp thông tin để người dân hiểu rõ hơn.

Liên quan đến hoạt động xuất bản, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cũng sẽ có giải pháp để lành mạnh hóa môi trường xuất bản trong năm 2015. Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện Luật Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục ban hành các văn bản dưới luật để thực hiện tốt liên kết xuất bản và tăng cường giám sát, kiểm tra công tác liên kết xuất bản, bao gồm từ khâu cấp giấy phép, đăng kí xuất bản, duyệt bản thảo đến khâu in ấn, phát hành./.

Phản hồi

Các tin/bài khác