Tự do thông tin, ngôn luận và khuôn khổ luật pháp quốc gia

(VOV5) - Chỉ còn ít ngày nữa, Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng chính thức có hiệu lực. Việc xây dựng và ban hành Nghị định này là nỗ lực không ngừng hoàn thiện hệ thống luật pháp quốc gia và tiếp tục khẳng định chính sách quản lý đi đôi với tạo điều kiện để Internet phát triển của Chính phủ Việt Nam. Thực tế này trái với những chỉ trích của một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí nói rằng Nghị định 72 là “cuộc tấn công tàn khốc nhằm vào quyền tự do thông tin”.

Tự do thông tin, ngôn luận và khuôn khổ luật pháp quốc gia - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Nghị định 72, chính thức có hiệu lực vào ngày 1/9/2013 tới, quy định chi tiết về dịch vụ Internet, tài nguyên Internet, nguyên tắc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng, quản lý việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội… Ngoài việc tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của các loại hình thông tin mới bên cạnh các phương thức thông tin truyền thống trên mạng Internet, điểm mới đáng lưu ý là Nghị định 72 tăng cường đảm bảo an toàn và an ninh thông tin trên mạng. Như vậy, Nghị định 72 không cản trở quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận của mỗi cá nhân như một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí từng rêu rao, mà chỉ quản lý việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet theo đúng các chuẩn mực về đạo đức, văn hoá, an ninh quốc gia, phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế.


Trong kỷ nguyên Internet và sự bùng nổ thông tin toàn cầu, quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận cần được tôn trọng tối đa. Nhưng ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực liên quan đến tự do thông tin, tự do ngôn luận trong môi trường Internet là trách nhiệm của bất kỳ chính phủ nào, để tự do thông tin và tự do ngôn luận phục vụ lợi ích chính đáng của đông đảo nhân dân, đảm bảo ổn định và phát triển đất nước. Vì thế, tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của mình, các quốc gia trên thế giới đều có chính sách nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận trong khuôn khổ luật pháp của quốc gia đó. Và tự do thông tin, tự do ngôn luận chỉ được bảo vệ khi nó không xâm phạm lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia, cộng đồng và không xâm phạm những quyền tự do cơ bản khác, như “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” của Liên hợp quốc đã quy định: “Mỗi người đều có nghĩa vụ với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Thực tiễn cho thấy luật pháp của nhiều nước công nhận quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận và tự do báo chí, nhưng không coi quyền này là “tự do tuyệt đối”. Bộ luật Hình sự Mỹ nghiêm cấm mọi hành vi “in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ…” Hiến pháp Mỹ cũng cho phép Tòa án Tối cao đưa ra những trừng phạt pháp lý khi phát hiện báo chí có hành vi phá hoại, lăng nhục, vu khống đối với nhà nước, xã hội và cá nhân. Hiến pháp của các bang nước này cũng cho phép truy tố tội lạm dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Cơ quan Phát triển Truyền thông (MDA) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore quy định các trang tin điện tử được cấp phép có nghĩa vụ phải rút những nội dung “hủy hoại sự hài hòa về chủng tộc và tôn giáo trong vòng 24 giờ” sau khi cơ quan quản lý truyền thông quốc gia yêu cầu. Hiến pháp nước Cộng hòa Kyrgyzstan ghi rõ: “Hiến pháp và Luật pháp nước Cộng hoà Kyrgyzstan hạn chế việc thực hiện các quyền và quyền tự do được phép trong trường hợp nhằm bảo đảm quyền và tự do của người khác, đảm bảo an toàn và trật tự xã hội, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ trật tự hiến pháp”. Hiến pháp Senegan thừa nhận việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, song coi các quyền này là đối tượng bị điều chỉnh bởi các quy định pháp luật…


Internet đã và đang ngày phổ biến và trở thành một phần không thể thiếu của đời sống xã hội. Những ai đã sử dụng Internet hẳn đều hiểu mặt trái của nó nguy hại như thế nào nếu thiếu các công cụ quản lý hiệu quả, theo kịp sự phát triển như vũ bão của Internet. Như đã dẫn chứng ở trên, rõ ràng là mọi hành vi trên mạng của công dân bất kỳ nước nào cũng phải tuân thủ quy định, pháp luật của quốc gia đó. Việc Việt Nam xây dựng và ban hành Nghị định 72 chính là nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn lợi ích chính đáng của các công dân Việt Nam. Nghị định 72 tạo hành lang pháp lý minh bạch hơn để phát triển Internet, là điều cần thiết và chính đáng mà Việt Nam, như mọi quốc gia khác trên thế giới, đã và đang thực hiện trong kỷ nguyên Internet này./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác