Ukraine tiếp tục khủng hoảng

(VOV5) - Khủng hoảng chính trị ở Ukraine tiếp tục có nhiều diễn biến căng thẳng với những cáo buộc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn của các bên. Cùng với đó là các biện pháp đáp trả giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU). Mâu thuẫn giữa Nga và EU đang không chỉ đẩy quan hệ hai bên vào tình thế khó hóa giải, mà còn khiến cho tình hình Ukraine càng trở nên bế tắc. 

Ukraine tiếp tục khủng hoảng - ảnh 1

Một khu chợ ở Donetsk bị trúng pháo hôm 3/6 (ảnh: Reuters)


Trong một diễn biến mới nhất, cuộc gặp của tiểu nhóm làm việc trong Nhóm tiếp xúc về giải quyết tình hình miền Đông Nam Ukraine vừa kết thúc tại thủ đô Minsk của Belarus mà không đạt được kết quả cụ thể nào. Dù cuộc gặp, được các bên đánh giá, là mang tính xây dựng nhưng hàng loạt các vấn đề trong chương trình nghị sự như lệnh ngừng bắn, hay rút vũ khí hạng nặng, đều không đạt được sự đồng thuận. Và như vậy, quá trình đối thoại tìm giải pháp chấm dứt xung đột ở miền Đông chắc chắn còn kéo dài thêm nhiều thời gian nữa.

Các bên vi phạm thỏa thuận ngừng bắn

Chỉ vài giờ sau khi cuộc gặp kết thúc, khoảng 15 tay súng ly khai và dân thường đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa các lực lượng chính quyền Ukraine và phe nổi dậy ở khu vực gần Donetsk. Chính quyền Ukraine cáo buộc, lực lượng nổi dậy đã bắt đầu chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm vào các vị trị của Ukraine, gần Donetsk và tấn công thành phố Marinka, cách Donetsk khoảng 30km. Trong khi đó, lãnh đạo quân sự của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng lại khẳng định không tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn nào nhằm vào các vị trí quân đội Ukraine, mà quân đội Kiev đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến. Theo cáo buộc từ phía Bộ Quốc phòng nhà nước tự xưng Cộng hòa nhân dân Donetsk, quân đội Kiev những ngày gần đây liên tục có những hành động đáng ngờ, đặc biệt khi một số xe tải quân sự bí mật vào ra các căn cứ sát giới tuyến an ninh.  Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu cho thấy Mỹ nhúng tay vào kế hoạch sử dụng vũ khí hóa học của chính phủ Ukraine.

Các cáo buộc qua lại lẫn nhau giữa các bên và thỏa thuận ngừng bắn liên tục bị vi phạm đã đẩy miền Đông Ukraine vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền công bố ngày 2/6, kể từ thời điểm bùng phát xung đột tại miền Đông Ukraine đến nay, số người thiệt mạng là trên 6.400 người, gần 16 nghìn người bị thương và khoảng 2,2 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. 

Mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây không dừng ở các giải pháp chính trị

Trong lúc này, cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và phương Tây lại có dấu hiệu leo thang. Trong một biện pháp đáp trả đầu tiên sau khi Nga công bố danh sách đen 89 nhân vật chính trị và ngoại giao Châu Âu không được phép nhập cảnh nước này, Liên minh Châu Âu (EU) ngày 2/6 thông báo Đại sứ Nga tại EU Vladimir Tchijov đã bị “cấm cửa” tại thể chế Châu Âu này, cùng với một nhân vật chính trị khác của Nga chưa được nêu tên cụ thể. Theo tuyên bố của đại diện tổ chức này, do chính quyền Nga đã không thể tạo ra sự minh bạch cho những quyết định của mình, vì thế Châu Âu cần phải có phản ứng phù hợp, mà trước tiên là hạn chế việc lui tới các cơ quan của Nghị viện Châu Âu đối với 2 nhân vật này. Cùng với đó, Cơ quan lập pháp của EU cũng quyết định đình chỉ hợp tác với Ủy ban hợp tác nghị viện Nga-EU và đánh giá quyền tiếp cận của các nghị sĩ Quốc hội Nga. Nga lập tức bác bỏ những chỉ trích của EU đồng thời khẳng định quyết định của nước này là phù hợp và chỉ được đưa ra sau các biện pháp trừng phạt của phương Tây. 

Trong khi đó, Ukraine cũng tuyên bố đang có kế hoạch tạm giữ tài sản nước ngoài của Nga để bù đắp cho việc 'mất' Crimea vào tay Nga. Theo Bộ Tư pháp Ukraine, hơn 400 công ty Ukraine và 18 mỏ khí đốt đã được quốc hữu hóa vào Crimea, ước tính thiệt hại hơn 1000 tỷ grivna (tương đương 47 tỷ USD). 

Thực tế, các đòn “ăn miếng trả miếng” mới này giữa Nga và EU hoàn toàn không bất ngờ bởi cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và EU chưa bao giờ hạ nhiệt, dù thỏa thuận hòa bình đạt được ở Minsk hồi tháng 2 phần nào làm dịu lập trường của các bên. Nga và EU không dễ tìm được tiếng nói chung khi những xung đột về lợi ích liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine là quá lớn. Vì thế, việc liên tiếp tung ra những đòn trừng phạt lẫn nhau khiến cuộc khủng hoảng tại Ukraine càng trở nên không lối thoát.

Khó tìm một giải pháp toàn diện dung hòa quyền lợi mỗi bên

Các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine được nối lại từ ngày 6/5 tại thành phố Minsk, Belarus trong bối cảnh căng thẳng bùng phát trở lại tại khu vực sau một thời gian tạm lắng nhờ lệnh ngừng bắn đạt được hồi tháng 2. Nhóm tiếp xúc về Ukraine đã nhiều lần gặp gỡ để tìm ra một giải pháp toàn diện cuối cùng cho cuộc khủng hoảng cũng như thúc đẩy việc thực thi đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn đạt được. Song rõ ràng, thực tế cho thấy mọi nỗ lực này chỉ mang tính hình thức. 

Dự kiến, trong tháng này, EU tiếp tục họp bàn về chính sách trừng phạt Nga bởi các lệnh trừng phạt sẽ hết hạn vào tháng 7 tới. Theo giới quan sát, khả năng EU tung thêm những đòn trừng phạt mới nhằm vào Nga là hầu như không thể do vấp phải sự phản đối của rất nhiều nước thành viên, đang chịu những tác động ngược của các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, khả năng kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp trừng phạt hiện nay là hoàn toàn có thể xảy ra khi mà cuộc khủng hoảng Ukraine đến nay vẫn chưa có lối thoát. Việc tìm ra một giải pháp toàn diện cuối cùng cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine càng ngày càng trở nên bế tắc./.

Phản hồi

Các tin/bài khác