Vì ASEAN một cộng đồng, một hướng đi

Vì ASEAN một cộng đồng, một hướng đi - ảnh 1
Bộ trưởng Pham Bình Mình tại phiên họp toàn thể Hội nghị ASEAN lần thứ 45. (Ảnh: Chí Hùng/Vietnam+)

(VOV5)- Ngày 9-7, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần 45 (AMM-45) và các Hội nghị liên quan gồm Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN với các đối tác (PMC), Diễn đàn cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 19 (ARF-19) tại Phnôm Pênh, (Campuchia). Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị AMM 45 và các Hội nghị liên quan nhằm củng cố đoàn kết, hợp tác ASEAN; tăng cường vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hoà bình, an ninh khu vực; giữ vững vai trò chủ động của ASEAN trong tình hình mới; thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác, cùng đóng góp cho hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực, đồng thời góp phần nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của Việt Nam.

Các Hội nghị lần này là các Hội nghị Bộ trưởng thường niên quan trọng của khu vực, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao, trưởng đoàn 27 nước và tổ chức. Trọng tâm của các Hội nghị này là tập trung kiểm điểm tình hình hợp tác ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác trong thời gian qua, bàn phương hướng thúc đẩy các quan hệ hợp tác này trong thời gian tới; trao đổi về một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, nhất là các vấn đề liên quan tới hoà bình, an ninh khu vực.

Trước những diễn biến phức tạp của thế giới, của khu vực: từ những điểm nóng xung đột đến những nguy cơ của biến đổi khí hậu, hay hệ lụy của khủng hoảng kinh tế, tài chính…, các quốc gia thành viên ASEAN đều hiểu và mong đợi một môi trường hòa bình, ổn định để cùng nhau phát triển. Cũng chính vì vậy, tinh thần chung của các Hội nghị lần này là ASEAN cần tiếp tục các nỗ lực hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển chung ở khu vực. Theo Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, giai đoạn hiện nay, ASEAN cần tăng cường đoàn kết và quyết tâm đẩy mạnh việc hiện thực hóa Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN: "Cần tiếp tục tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường những cơ cấu, cấu trúc trong khu vực, phát huy vai trò của ASEAN với bên ngoài. ASEAN cần tăng cường đóng góp để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, tăng cường các cơ chế ứng xử cũng như quy tắc đã có, đó là Hiệp ước thân thiện hợp tác cũng như là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông DOC và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông COC"

Nhìn lại 1 năm qua, kể từ Hội nghị ngoại giao ASEAN lần thứ 44 tổ chức tại Bali, Indonesia, Việt Nam luôn nỗ lực hiện thực hóa các cam kết của mình vì mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu. Không chỉ đẩy mạnh hợp tác nội khối mà Việt Nam còn tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Từ tháng 7 năm nay, Việt Nam đã chính thức đảm nhiệm vai trò là nước điều phối trong quan hệ đối thoại giữa ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) với những ưu tiên cụ thể như tiếp tục triển khai chương trình công tác ASEAN-EU về thương mại và đầu tư, thúc đẩy các đàm phán về Hiệp định tự do FTA song phương giữa EU và các nước ASEAN. Việt Nam sẽ tăng cường tham vấn với cả ASEAN và EU để lắng nghe nguyện vọng và làm tốt cầu nối giữa ASEAN với EU, khuyến khích EU có những cam kết chính trị và hành động cụ thể để đóng góp cho quan hệ toàn diện giữa ASEAN và EU, củng cố hòa bình, ổn định và phát triển ở cả 2 khu vực. Trong quan hệ với các đối tác khác, Việt Nam cũng có nhiều đóng góp thiết thực. Ví dụ với Trung Quốc, từ tháng 11/2011, với vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Việt Nam cùng các nước ASEAN tiến hành tham vấn về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông, làm cơ sở để ASEAN tham vấn với Trung Quốc trong xây dựng bộ quy tắc này. Văn bản này đã được hoàn tất trong nội bộ ASEAN vào cuối tháng 6 vừa qua và đưa ra tham vấn với Trung Quốc trong khuôn khổ Hội nghị lần này. Theo thứ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Quang Vinh, dự thảo này được xây dựng trên cơ sở kế thừa những điểm cơ bản của Tuyên bố chung về Ứng xử của các bên trên Biển Đông đã được ASEAN và Trung Quốc ký cách đây đúng 10 năm, cũng tại Phnom Penh, Campuchia. Tuy nhiên, Bộ Quy tắc Ứng xử được nâng lên ở mức cao hơn với những điều khoản mang tính ràng buộc trong việc giải quyết tranh chấp giữa các bên tại Biển Đông, theo tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, cũng như tuân thủ Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác đã được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc. Thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết: "10 năm qua đã có DOC do ASEAN và TQ ký. Tuyên bố này đề ra các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế, công ước luật biển giải quyết hòa bình tranh chấp, đề ra hành vi ứng xử của các bên. Thế nhưng trong 10 năm qua, chúng ta cũng chứng kiến, 1 mặt DOC phát huy tác dụng là văn bản cơ sở điều chỉnh hành vi của các nước, nhưng mặt khác cũng nảy sinh những vấn đề phức tạp liên quan đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực. Chính vì vậy các nước ASEAN cho rằng đã đến lúc khu vực cần có 1 công cụ để làm sao có thể bảo đảm, đóng góp một cách hiệu quả hơn cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực và đó là COC".

Tiếp tục phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự các Hội nghị lần này sẽ có những đóng góp quan trọng, tăng cường đoàn kết ASEAN cũng như đề xuất các trọng tâm ưu tiên của ASEAN và khu vực. Phía trước ASEAN là “Một cộng đồng, một vận mệnh”, như chủ đề mà nước Chủ tịch ASEAN 2012 Camouchia đưa ra. Với mục tiêu này, ASEAN sẽ vững mạnh trên cả ba trụ cột là: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Cùng với các nước trong Hiệp hội, Việt Nam đang nỗ lực tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, để xây dựng cho được một Cộng đồng vững mạnh, liên kết chặt chẽ và phát triển bền vững vào năm 2015./.

Phản hồi

Các tin/bài khác