(VOV5) Hôm nay 26/11 Hội thảo quốc tế Việt nam học lần thứ 4 với chủ đề “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững” khai mạc, tại Hà nội. Với sự tham dự của khoảng 1.000 nhà nghiên cứu về Việt Nam, đây là Hội thảo có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Điều này cho thấy ngành Việt nam học trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ đồng nghĩa với việc Việt nam ngày càng thu hút sự quan tâm của thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Việt Nam là quốc gia nằm ở trung tâm Đông Nam Á với thềm lục địa rộng lớn và vùng đặc quyền kinh tế trên biển với nhiều đảo và quần đảo lớn nhỏ. Từ xa xưa, Việt nam đã có sự giao lưu với các nền văn hóa, văn minh của Đông Nam Á, Ấn Độ và phương Tây…Chính vì vậy, việc nghiên cứu về đất nước, con người, văn hóa và lịch sử Việt Nam không chỉ là công việc của người Việt Nam mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều trí thức, học giả nước ngoài. Nếu như trong thời kỳ kháng chiến giành độc lập dân tộc, Việt Nam học chỉ phát triển ở một số nước như Trung Quốc, Nga, Pháp và Đông Âu thì ngày nay, phong trào nghiên cứu về Việt Nam đã thu hút sự chú ý của các học giả Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia….
Theo Giáo sư sử học Phan Huy Lê, ngành Việt Nam học hiện đại đang lan rộng. Tổ chức nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam học đã ra đời hoặc hình thành trong một số trường đại học ở nhiều nước. Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam tập hợp hàng trăm học giả, hàng năm tổ chức Hội thảo về Việt Nam. Một số Hội học thuật nghiên cứu Việt Nam cũng được thành lập ở Hàn Quốc, Mỹ. Tại châu Âu, một mạng lưới nghiên cứu Việt Nam lấy tên là Euro-Việt đã ra đời và cứ hai năm một lần tổ chức một cuộc Hội thảo quốc tế về Việt Nam học. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết: “Khi ảnh hưởng và vai trò của Việt Nam ngày càng rộng mở, hội nhập sâu rộng ở trên các cấp độ khác nhau, ở khu vực và thế giới, thì người ta biết đến chúng ta, vừa để tìm hiểu, vừa để chia sẻ, vừa là đóng góp. Họ đến với chúng ta nhiều hơn. Bản đồ ảnh hưởng của Việt Nam học được rộng mở hơn. Họ đang rất kỳ vọng vào vai trò của Việt Nam ngày càng quan trọng ở trong khu vực cũng như trên thế giới. Cho nên tôi cho rằng bản đồ đấy sẽ tiếp tục giới thiệu hình ảnh của Việt Nam ra với thế giới.”
14 năm qua, kể từ Hội thảo quốc tế về Việt nam học được tổ chức lần đầu tiên (1998), chủ đề của các cuộc hội thảo luôn bám sát với thực tiễn phát triển ở Việt Nam. Hội thảo lần thứ nhất với chủ đề: Nghiên cứu Việt nam và tăng cường hợp tác quốc tế; chủ đề cuộc hội thảo thứ hai là Việt nam trên đường phát triển và hội nhập: Truyền thống và hiện đại; chủ đề cuộc hội thảo thứ 3 là Việt nam hội nhập và phát triển. Hội thảo lần thứ 4 diễn ra từ ngày 26-28/11/2012 với chủ đề Việt nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững là sự tiếp tục dòng chảy của 3 Hội thảo trước để bàn về những vấn đề đang đặt ra cho Việt Nam trong xu hướng tất yếu của thời đại toàn cầu hóa. Không chỉ vậy, đây còn là cơ hội để Việt nam tiếp nhận nhiều hơn các công trình nghiên cứu đa chiều về Việt nam của giới học giả quốc tế. Giáo sư, Tiến sỹ Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo, cho biết: "Tôi cho rằng có ba sản phẩm đặc biệt quan trọng mà chúng ta phải làm được trong Hội thảo. Thứ nhất là hệ thống các báo cáo khoa học, thảo luận các đề xuất cho Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững. Thứ hai các đề xuất từ hội thảo cho Đảng và Nhà nước. Sản phẩm thứ ba là mạng lưới các nhà khoa học trên thế giới được củng cố, phát triển để cho Việt nam được hiểu đủ hơn, nhiều hơn, sâu hơn, đóng góp cho phát triển bền vững không chỉ Việt nam mà cả thế giới. Vì thế sản phẩm thứ 3 được đo bằng số lượng các học giả nước ngoài trên phạm vi toàn cầu đến dự, đặc biệt họ tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến."
Có thể nói, kể từ buổi sơ khai, đến nay, ngành Việt Nam học đang từng bước phát triển mạnh mẽ. Điều đó đồng nghĩa với việc Việt nam tiếp tục thu hút sự quan tâm của các học giả quốc tế và việc xem xét các công trình nghiên cứu của họ sẽ đóng góp tích cực trong sự phát triển của Việt Nam./.