Việt Nam và cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung quốc tuân thủ luật pháp quốc tế

(VOV5) - Những căng thẳng trên Biển Đông hiện nay xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà tại đó Việt Nam được hưởng các quyền của một quốc gia ven biển theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong văn bản đề nghị được lưu hành như một tài liệu chính thức tại Liên Hiệp Quốc mới đây, Việt Nam khẳng định rõ lập trường phản đối các hành vi này của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ủng hộ bằng những hành động cụ thể.

Việt Nam và cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung quốc tuân thủ luật pháp quốc tế - ảnh 1
Đông đảo sinh viên, lưu học sinh và cộng đồng người Việt đã tổ chức biểu tình tuần hành phản đối Trung Quốc. (Ảnh: Vietnam+)


Ngày 02 tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào khoan thăm dò và định vị tại tọa độ 15-29.58 độ vĩ Bắc, 111-12.06 độ kinh Đông. Ngày 27 tháng 5 năm 2014, giàn khoan được dịch chuyển đến vị trí 15-33.38 độ vĩ Bắc, 111-34.62 độ kinh Đông. Các vị trí này đều nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam từ 130 đến 150 hải lý. Từ đó đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan, bố trí một lực lượng tàu hộ tống lớn và liên tục đâm, va, làm hư hỏng các tàu của lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, đâm chìm tàu cá và bắt giữ ngư dân Việt Nam khi họ đang đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Việt Nam đã nỗ lực và thiện chí để giải quyết căng thẳng trên Biển Đông

Tại khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981, các tàu của Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và tiến hành khảo sát thăm dò địa chấn 2D, 3D từ năm 2005. Những lần như vậy, Việt Nam đều đã cử tàu dân sự thực thi pháp luật ra yêu cầu Trung Quốc không được hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời đã nhiều lần tiếp xúc ngoại giao, trao công hàm kiên quyết phản đối hoạt động sai trái của Trung Quốc, gồm một loạt các cuộc tiếp xúc giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam với Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội. Đỉnh điểm là vào các ngày 05 tháng 8 năm 2010 và ngày 08 tháng 8 năm 2011, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công khai phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Kể từ khi tình hình căng thẳng hồi đầu tháng 5 năm 2014 đến nay, Việt Nam đã nỗ lực đối thoại với Trung Quốc dưới nhiều hình thức và nhiều cấp khác nhau để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức các hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống, tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên bắt đầu đàm phán phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, các điều khoản có liên quan của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông và các thỏa thuận khác giữa hai nước. Việt Nam đã tiến hành hơn 30 lần tiếp xúc ngoại giao với các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc, trong đó gần đây nhất là cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội ngày 18 tháng 6 năm 2014. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không rút giàn khoan Hải Dương-981 cũng như tiến hành đàm phán ngoại giao, thể hiện tính pháp lý mơ hồ, không thể biện minh cho các hành động gây hấn nhằm độc chiếm Biển Đông.

Việt Nam và cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế

Trong văn bản đề nghị lưu hành chính thức tại Liên Hiệp Quốc mới đây, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng các quyền của Việt Nam được xác định bởi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam cũng kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và ngay lập tức chấm dứt các hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở những lời lẽ lên án hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế đang bằng những hành động cụ thể ngăn chặn chiến lược bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Điển hình là Thượng viện Mỹ hôm cuối tuần đã thông qua Nghị quyết lên án hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông, trong đó kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 cùng các lực lượng hộ tống, trả lại nguyên trạng Biển Đông như trước ngày 1-5-2014. Thượng viện Mỹ nêu rõ những đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc cùng những hành động hậu thuẫn cho hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981, chưa được chứng thực theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), là một mưu toan đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và cho thấy dấu hiệu vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc đã tham gia ký kết. Cùng với đó, Hội đồng Nghị viện của Tổ chức Pháp ngữ có Nghị quyết về các điểm nóng tại các quốc gia thành viên nói tiếng Pháp, trong đó bày tỏ lo ngại về những căng thẳng hiện nay trên Biển Đông do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của Việt Nam. Hội đồng Nghị viện của Tổ chức Pháp ngữ khẳng định “ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam và các quốc gia khác khác nhằm khôi phục lại hòa bình và ổn định trong khu vực” và “ đề nghị Trung Quốc đóng góp vào việc giải quyết toàn diện những căng thẳng hiện nay,  thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (COC) và nhanh chóng tiến tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên liên quan ở Biển Đông (DOC)./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác