Xung đột tại Syria – thách thức cho các giải pháp ngoại giao

 

(VOV5) - Nhiều hoạt động ngoại giao đang diễn ra nhằm tìm ra giải pháp khả thi cho tình hình Syria. Cùng với chuyến công du đến Ai cập và Syria trong tuần này của Đặc phái viên về Syria của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập, cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, đại diện của Nga và Trung Quốc cũng cử phái viên tới Syria. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, những chuyến đi này sẽ khó đem lại kết quả khả quan trong bối cảnh các cường quốc đang bị chia rẽ nghiêm trọng về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.

 

Xung đột tại Syria – thách thức cho các giải pháp ngoại giao - ảnh 1

Đề cập chuyến đi của ông Kofi Annan tới Ai Cập ngày 7/3 và sau đó là tới Syria vào cuối tuần này, các nhà phân tích cho rằng mục đích chuyến đi là một thử thách lớn đối với ông Annan và cơ hội thành công của ông là rất mong manh, thậm chí có thể chỉ là 5%. Sở dĩ nói vậy vì ngay trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị mới, cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc đã đưa ra những mục tiêu đầy tham vọng là đạt được thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt bạo lực và hỗ trợ cho một giải pháp chính trị tại Syria thông qua con đường đối thoại. Đây rõ ràng là một nhiệm vụ khó khăn và đầy thách thức. Mặc dù được nhận định là bất khả thi nhưng chuyến đi vẫn là cần thiết, ít nhất cũng giúp mang lại một cơ hội đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang bế tắc để tìm ra một giải pháp chấm dứt một năm bạo lực tại nước này.

Cùng thời điểm với chuyến đi của ông Kofi Annan, Nga và Trung Quốc cũng cử các phái viên tới Syria. Li Huaxin, cựu đại sứ Trung Quốc tại Syria, tới Syria ngày 7/3 và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Cairo vào ngày 10/3 để gặp Tổng thư ký Liên đoàn Arập Nabil el-Arabi. Các phái viên của Nga và Trung Quốc được kỳ vọng sẽ cùng hợp sức với ông Annan tìm giải pháp cho Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết Trung Quốc đã đưa ra chủ trương 6 điểm trong vấn đề Syria. Theo đó ủng hộ vai trò chủ đạo của Liên hiệp quốc trong việc viện trợ nhân đạo, tuy nhiên quốc gia này cũng phản đối việc lợi dung danh nghĩa nhân đạo để can thiệp vào công việc nội bộ của Syria cũng như các hành vi can thiệp quân sự hay thúc đẩy thay đổi chế độ tại Syria.

Trong khi các nỗ lực ngoại giao con thoi để tìm giải pháp hoà bình đang được Liên hợp quốc cùng Nga và Trung Quốc tiến hành thì các nước phương Tây lại liên tục gây sức ép buộc Tổng thống Syria Bashar Al - Assad từ chức và buộc Damas chấm dứt đàn áp những người chống đối ở nước này. Thượng nghị sỹ Mỹ thuộc đảng Cộng hoà, John McCain ngày 5/3 đã kêu gọi tiến hành các cuộc không kích chống Syria. Mặc dù sau đó Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta đã thẳng thừng bác bỏ khả năng Mỹ đơn phương tấn công Syria nhưng các quan chức này vẫn khẳng định vấn đề không phải ở chỗ liệu ông Assad có bị lật đổ hay không mà là khi nào mà thôi. Mỹ cũng đưa thêm Đài phát thanh và truyền hình Syria vào danh sách cấm vận đồng thời trình Hội đồng bảo an Liên hợp quốc dự thảo Nghị quyết mới về tình hình Syria. Các đồng minh của Hoa Kỳ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha …đã tuyên bố đóng cửa sứ quán tại Syria nhằm phản đối tình trạng bạo lực leo thang. Theo nhiều nhà phân tích, hành động của Mỹ và các nước phương Tây là vì muốn tranh giành ảnh hưởng trong tương lai ở Trung Đông chứ không quan tâm đến những lợi ích lâu dài hoặc trước mắt cho riêng Syria.

Đáp lại áp lực của Mỹ và đồng minh phương Tây, chính phủ Syria tiếp tục gia tăng áp lực quân sự ở các thành phố nổi dậy. Ngày 6/3, quân chính phủ đã mở cuộc tấn công quy mô vào tỉnh Deraa và một số thành phố ở miền Nam, khiến nhiều người thiệt mạng. Tổng thống Syria Bashar Al – Assad cũng tuyên bố Syria sẽ đập tan âm mưu can thiệp vào nước này của các thế lực nước ngoài đồng thời quyết tâm đẩy mạnh đấu tranh chống khủng bố.    

Với những gì đang diễn ra, xem ra một giải pháp tối ưu trong việc giải quyết xung đột ở Syria quả thật là thách thức ngoại giao và tương lai cho quốc gia vốn từng được xem là nhà nước ổn định nhất trong thế giới Arap này vẫn còn khó đoán định./.


Phản hồi

Các tin/bài khác