Một buổi sáng giá lạnh cuối tháng 12 tại New York. Trong một căn hộ nhỏ nhưng ngăn nắp, ấm cúng trên phố 88, 3 người bạn già đang hàn huyên bên những tách cà phê Việt tỏa khói. Có lẽ lâu lắm rồi họ mới có dịp chuyện trò nhiều đến vậy. 40 năm trước, họ biết nhau qua một sự kiện đặc biệt. 40 năm sau, chính sự kiện này lại tạo cơ hội để họ gặp lại nhau.
|
Biểu tình tại New York ngày 21/12/1972 (Ảhh chụp lại) |
Ngày 21/12/1972. Cả thành phố New York rung động trước một cuộc biểu tình rầm rộ, phản đối hành động ném bom rải thảm miền Bắc Việt Nam của chính quyền Richard Nixon. Trong số hàng nghìn người biểu tình hôm đó có 3 cựu quân nhân Mỹ: nữ y tá Susan Schall, đặc vụ tình báo Brian Matarrese và sỹ quan pháo binh Michael Gold. Dòng người biểu tình tràn ngập các ngõ phố, hô vang khẩu hiệu chống chiến tranh.
Ông Brian nhớ lại:“Chúng tôi tổ chức một cuộc biểu tình lớn trước trung tâm tuyển quân tại Quảng trường Thời đại. Người biểu tình chiếm Sở Cựu chiến binh, ném cờ xuống đất. Cảnh tượng tương tự cững diễn ra tại khu vực Tượng Nữ thần Tự do. Mọi người đều rất giận dữ. Chúng tôi tưởng chiến tranh đã kết thúc nhưng họ lại ném bom miền Bắc Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đó là lần đầu tiên họ sử dụng loại máy bay hủy diệt B52. Thật không thể tin nổi họ lại thực hiện chiến dịch ném bom như vậy”.
Trước làn sóng phản chiến ngày một dâng cao, cảnh sát Mỹ đã sử dụng vũ lực để đối phó với những người biểu tình không một tấc sắt trong tay. Lúc đó, chỗ nào cũng thấy cảnh sát, nhiều người trong số họ cưỡi ngựa. Tôi đứng ở hàng đầu, giữa hàng rào cảnh sát và dòng người biểu tình. Cảnh sát bắt đầu trấn áp chúng tôi bằng dùi cui và bắt giữ người biểu tình. Tôi còn nhớ như in hình ảnh cảnh sát thúc ngựa xông vào giữa đoàn biểu tình, khiến chúng tôi vô cùng tức giận. Tôi bị bắt, bị tóm tóc lôi đi và bị đánh trong xe cảnh sát"- Bà Susan hồi tưởng.
|
Cựu chiến binh Michael Gold |
Cựu chiến binh Michael Gold, năm nay đã ngoài 70, không thể quên khoảnh khắc đầy hiểm nguy trong cuộc biểu tình: “Chúng tôi bị cảnh sát tấn công. Khi tôi đang đứng trong đoàn người biểu tình thì bỗng đâu một cảnh sát cưỡi ngựa lao thẳng đến như tên bắn. May mắn thay, 2 người bên cạnh đã kịp kéo tôi lại. Con ngựa phóng vụt qua, chỉ cách tôi chừng 60 cm”.
Gia nhập quân đội với mong muốn đóng góp cho đất nước nhưng cả Susan, Brian và Michael đều sớm nhận ra rằng họ đang tiếp tay cho một cuộc chiến phi nghĩa. Bà Susan nói: “Tôi làm y tá trong lực lượng hải quân Mỹ từ năm 1967 đến 1969. Khi đó, tôi hiểu rằng mình đã trở thành một phần của cỗ máy quân sự đang hủy hoại đất nước khác. Tôi tận mắt chứng kiến những tổn thương mà cả người Mỹ và người Việt Nam phải gánh chịu. Chính phủ Mỹ đã ném bom vào dân thường, vào hệ thống đê điều, khiến biết bao người Việt Nam phải chịu cảnh lụt lội, thiếu lương thực. Với tư cách là một quân nhân, tôi có trách nhiệm phải chống lại hành động này của Chính phủ và nói rằng những điều họ làm là sai trái”.
|
Susan và các tranh cổ động của Vitt Nam |
Khi còn trong quân ngũ, Susan từng mặc quân phục tham gia biểu tình chống chiến tranh và bị tòa án quân sự tuyên phạt 6 tháng lao động công ích. Sau khi bị tước quân tịch, bà tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền phản chiến và gây quỹ hỗ trợ dịch vụ y tế cho 3 nước Đông Dương, trong đó có bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội.
Với Brian Matarrese, sau 2 năm phục vụ quân đội Mỹ, ông quyết định giải ngũ sau khi chứng kiến các đồng đội, người vĩnh viễn không trở về, người mang thương tích, người phải nhờ đến ma túy để khỏa lấp nỗi ám ảnh chiến tranh. Ông tham gia rất nhiều cuộc biểu tình phản chiến và trở thành thành viên tích cực của Tổ chức Cựu chiến binh phản đối chiến tranh Việt Nam (VVAW). Brian kể lại cơ duyên đến với VVAW: "Một lần, Tổ chức Cựu chiến binh phản đối chiến tranh Việt Nam tổ chức tuần lễ biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại thủ đô Washington. Khi đó, tôi và bố tôi đang xem truyền hình đưa tin ông John Kerry phát biểu trước Thượng viện Mỹ với câu hỏi ‘ai sẽ là người cuối cùng phải chết vì sai lầm hiện nay’. Bố tôi liền nói với tôi rằng ‘Con còn chờ gì nữa?’. Thế là tôi lên Washington tham gia biểu tình và trở thành thành viên của VVAW từ đó”.
|
Susan bị chnh sát bắt trong cuộc biểu tình (Ảnh chụp lại) |
Cũng giống Brian Matarrese, Michael Gold gia nhập VVAW ngay từ khi tổ chức này được thành lập cách đây hơn 40 năm. Tham gia lực lượng pháo binh năm 1966, ông nhanh chóng quay lưng lại với cuộc chiến tranh Việt Nam sau khi chứng kiến những thanh niên Mỹ tham chiến trở về trong thương tật hay phải chịu hậu quả của chính chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng tại Việt Nam.
“Hàng nghìn lính Mỹ đã bị ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt là nhiễm chất độc màu da cam. Ngay cả con cái họ cũng chịu tác động của chất dioxin. Đối với Việt Nam thì vấn đề còn nghiêm trọng hơn khi nhiều khu vực tại đây đã nhiễm chất hóa học này”.
|
Susan và PV VOV xem ảhh biểu tìhh |
40 năm trước, Susan, Brian và Michael cùng những người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình khác đã sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. 40 năm sau, họ vẫn tiếp tục ở bên Việt Nam trong nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh. 3 cựu chiến binh đã tham gia rất nhiều chương trình vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam và đang cùng một số tổ chức nhân đạo đệ trình một dự luật lên Quốc hội Mỹ với mục đích tìm lại công lý cho các nạn nhân, như thông điệp mà bà Susan muốn truyền tải: "Cuộc chiến tại Việt Nam đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi. Nhiệm vụ của chúng tôi là góp phần chấm dứt chiến tranh tại Đông Nam Á. Chúng tôi muốn chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm và nhân dân Mỹ cần tiếp tục hiểu rõ cuộc chiến này"./.