Ngọc Hà, nơi ghi dấu máy bay B52 rơi

(VOV5) - Làng Ngọc Hà trong nội thành Hà Nội từ cuối năm 1972 còn được biết đến là nơi lưu giữ chứng tích lịch sử của trận đánh Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Khi ấy, một phần xác máy bay B52 bị bộ đội phòng không không quân Việt Nam bắn hạ đã rơi xuống hồ Hữu Tiệp thuộc làng hoa Ngọc Hà.

Bấm để nghe âm thanh:



Đây là điểm duy nhất mà máy bay B52 rơi trong nội thành Hà Nội, nên được người dân gọi là hồ B52 và được giữ lại thành chứng tích lịch sử. Hồ B52 luôn là biểu tượng của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, là niềm tự hào của người dân Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Đến phường Ngọc Hà sau 40 năm kể từ khi chiếc máy bay B52 bị bắn rơi xuống hồ Hữu Tiệp, chúng tôi vẫn được nghe những câu chuyện vẫn còn in đậm trong trí nhớ của người dân nơi đây về trận chiến 12 ngày đêm anh dũng của quân và dân Hà Nội. 

vov giao thong
Xác B-52 rơi tại hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Linh

Bà Phạm Thị Quý, nguyên Chính trị phó Trung đội tự vệ Ngọc Hà nhớ lại, chiến dịch rải thảm bom bằng máy bay B52 của không lực Hoa Kỳ vào cuối tháng 12/1972 đã khiến một nơi thanh bình như làng Ngọc Hà cũng trở thành mục tiêu bắn phá. Làng hoa thành lũy thép và mỗi người dân là một chiến sĩ. Với bà Quý, ký ức không phai mờ trong cuộc chiến quyết liệt giữa “rồng bay Thăng Long” và “pháo đài bay Mỹ” là hình ảnh chiếc máy bay B52 bị Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 tên lửa phòng không bắn rơi vào sáng ngày 27/12/1972, mà một phần của nó rơi xuống hồ Hữu Tiệp. Chiếc B52 rơi khi chưa kịp gây tội ác, bởi vẫn còn nguyên bom đạn.

"Khi máy bay bị bắn rơi, dân làng cũng có một vài người bị thiệt mạng, tuy buồn nhưng thấy quân giặc thua lại thấy vui. Lên khỏi hầm, thấy bom rơi vãi khắp làng nhưng nó không nổ.Thế mới thấy Bộ đội không quân của ta quá giỏi, bắn rơi máy bay khi nó chưa kịp cắt bom, chứ nếu 100 quả bom nổ thì làng Ngọc Hà có lẽ đã bị xóa sổ rồi. Trong hôm đó, bộ đội công binh được cử đến giúp dân tháo gỡ bom mìn và chúng tôi cũng giúp các anh thu dọn. Ngày hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm làng và động viên người dân giữ vững tinh thần tiếp tục chiến đấu. Đó những ký ức không bao giờ quên”, bà Quý chia sẻ.

Ông An Viết Mỹ, người dân làng Ngọc Hà vẫn nhớ như in cảm giác hạnh phúc, tự hào khi được thấy máy bay B52 rơi trên chính mảnh đất quê mình. Đêm ấy, cả làng Ngọc Hà không ngủ, mọi người đều nói cười, vui sướng. Tiếng người gọi nhau í ới, ai cũng muốn tận mắt chứng kiến chiếc “pháo đài bay Mỹ” phơi xác như thế nào…: “Máy bay bị bắn trúng rực lửa lên như bó đuốc, và khi máy bay rơi xuống lòng hồ thì nước hồ trào ra nóng bỏng làm cá chết hàng loạt. Lúc đó, một số bà con ở lại làng để sản xuất thấy máy bay rơi liền đều ra khỏi hầm để xem, khi đó mọi thứ rất im ắng chứ không như trước đó máy bay quần thảo ầm rĩ trên bầu trời, nên bà con mừng lắm, đều chạy ra hoan hô máy bay rơi rồi. Chưa bao giờ người dân Ngọc Hà lại vui như vậy, cả đêm thức trắng”.

Là người con của làng Ngọc Hà, ông Nguyễn Trọng Hiển luôn tự hào vì được trực tiếp chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội. Cuối những năm 1960, ông Hiển được điều động tới nhiều mặt trận nóng bỏng như Quảng Trị, Campuchia. Sau nhiều năm xa nhà, khi trở về Hà Nội để tăng cường, ông Hiển nghĩ sẽ có cơ hội được gặp vợ con. Nhưng khi đóng quân ở một huyện ngoại thành, chỉ cách nhà hơn chục cây số, mà ông chưa một lần được về thăm nhà. Vợ ông khi đó cũng tham gia dân quân tự vệ làng Ngọc Hà để có thể sát cánh chiến đấu cùng chồng. 


Ông Hiển tâm sự: “Chiến đấu vì Tổ quốc đã rất thiêng liêng rồi, nhưng là người Hà Nội lại được về Hà Nội chiến đấu, tôi cảm thấy nhiệm vụ này thiêng liêng vô cùng. Dù rất gần vợ con, có khi chỉ cách chỗ con tôi sơ tán có 1 cây số, nhưng bố không biết con, con không biết bố, vì cuộc chiến quá ác liệt. Dù rất lo lắng nhưng tôi không thể về nhà. May mắn là trong ngày 28/12, khi hành quân qua bến Chèm sang bên kia sông Hồng, tôi tranh thủ xin đơn vị về thăm nhà. Về nhà không gặp được gia đình, tôi hoang mang lắm nhưng bà con cho biết vợ tôi đang phải tham gia gỡ bom mìn. Dù không gặp được, nhưng tôi có thể yên tâm trở về đơn vị, tiếp tục hành quân đi chiến đấu”.

Hồ Hữu Tiệp luôn là niềm tự hào của người dân Ngọc Hà, biểu tượng của chiến thắng 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Quanh chiếc hồ nhỏ này đã được cải tạo thành con đường nhỏ, trở thành nơi dạo chơi của trẻ em, nơi tập dưỡng sinh của các cụ già, và ngay cạnh đó là trường Tiểu học Ngọc Hà. Ít có nơi nào, học sinh lại được dạy lịch sử từ một bài học truyền thống sống động, trực quan như ở đây. 

vov giao thong
Trẻ em chơi đùa bên xác chiếc máy bay B52 rơi tại hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà, Hà Nội.

Em Đỗ Phạm Châu Giang, lớp 4A5, trường Tiểu học Ngọc Hà là gia đình gốc làng Ngọc Hà. Từ nhỏ em đã được ông bà đưa ra hồ B52 để dạy cho biết về lịch sử, rồi khi đi học lại được các cô giáo dạy bảo thêm, khiến các em càng trân trọng di tích này hơn. Em Châu Giang cho biết:“Hàng tuần, chúng con đều ra đây nhặt rác, làm vệ sinh quanh hồ và nhắc nhở mọi người giữ gìn cảnh quan. Bây giờ, khi gặp khách du lịch, con có thể tự tin giới thiệu với họ về lịch sử của chiếc máy bay rơi tại hồ của làng mình”.

Về sự kiện máy bay B52 rơi ở hồ Hữu Tiệp, nhà thơ Tố Hữu đã viết:"Ngọc Hà em lộng lẫy hoa tươi/Xin thơm khắp Miền Nam,Miền Bắc".Cùng với Đài tưởng niệm nạn nhân của bom Mỹ ở Khâm Thiên, xác pháo đài bay B52 ở Ngọc Hà (Hà Nội) không chỉ góp phần làm cho thế giới hiểu hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam, mà còn giúp thế hệ sau thấm thía rằng chiến thắng hào hùng đã phải trả bằng máu và nước mắt của những người đi trước, để càng cố gắng hơn trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước văn minh, giàu đẹp./.

Phản hồi

Các tin/bài khác