(VOV5) - Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công dự án Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong phiên họp ngày hôm nay (31/5), tại nhà Quốc hội, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhận định những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay là giai đoạn rất khó khăn đối với đất nước. Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua cho thấy sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò hỗ trợ không nhỏ của Quốc hội, sự nỗ lực của nhân dân và doanh nghiệp, đặc biệt là khả năng chèo lái, cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý, điều hành.
Nhiều đại biểu cho rằng để đạt được mục tiêu phát triển thời gian tới, cần có quyết tâm cao, tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới để có giải pháp, chính sách chủ động, kịp thời. Đặc biệt, chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực, tính tự chủ nền kinh tế, thậm chí, phải có những giải pháp cấp bách, chưa có tiền lệ để hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp…
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, phát biểu: "Doanh nghiệp được ví như xương sống của nền kinh tế. Doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy, phát triển doanh nghiệp. Trước tiên, cần rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế. Bên cạnh đó là khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp".
Về giải ngân vốn đầu tư công, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công dự án Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án đường cao tốc Bắc - Nam; xem xét lại các quy định về đầu tư công theo hướng phân cấp mạnh hơn, nhiều hơn cho chính quyền địa phương. Ngoài ra, việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình đã được phê duyệt, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ….cũng cần được chú trọng.