(VOV5) - Các đại biểu nhất trí chủ trương mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế về phía Việt Nam để phù hợp hơn với chủ trương hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.
Quốc hội thảo luận truwcjt uyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thỏa thuận quốc tế - Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
|
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, chiều 22/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.
Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí chủ trương mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế về phía Việt Nam để phù hợp hơn với chủ trương hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cân nhắc việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã. Quy định này cần được cân nhắc thận trọng do hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định, do đó không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được trao quyền ký kết thỏa thuận quốc tế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: "Chỉ Ủy ban nhân dân cấp xã khu vực biên giới được mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế. Đây cũng là xuất phát thực tế từ nhu cầu của các tỉnh, nhất là có quan hệ của các xã với các nước láng giềng. Trong thời gian vừa qua số lượng Ủy ban nhân dân cấp huyện trong cả nước ký kết, trong đó khoảng trên 874 văn bản, còn ở cấp xã cũng là 157 xã ký kết có nhu cầu và có hiệu quả. Được ký kết thỏa thuận các Ủy ban nhân dân xã khu vực biên giới, đó là chỉ giới hạn trong một số nội dung như giao lưu, trao đổi thông tin hợp tác quản lý biên giới theo Điều ước quốc tế Việt Nam đã ký với các nước láng giềng. Điểm thứ hai, đó là thỏa thuận quốc tế được ký nhân danh cấp Ủy ban nhân dân cấp xã khu vực biên giới này phải do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép".