Chủ tịch nước dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến “Tiếng nói phương Nam“

(VOV5) - Hôm nay (12/1), từ Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến “Tiếng nói phương Nam bán cầu”.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ thế giới vừa đi qua năm 2022 với nhiều biến động chưa có tiền lệ, không chỉ những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt mà cả những cuộc xung đột địa chính trị... Tất cả đã cộng hưởng, tạo nên sức ép to lớn toàn diện và sâu sắc tới kinh tế -xã hội ở mọi quốc gia.

Chủ tịch nước dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến “Tiếng nói phương Nam“ - ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Trong bối cảnh đa khủng hoảng, đa thách thức, đa chuyển đổi đó, chung ta càng phải chung tay củng cố, tăng cường các yếu tố nền tảng của toàn cầu về hòa bình và phát triển thịnh vượng. Một là phải đoàn kết, hợp tác quốc tế và duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển. Các tranh chấp cần được giải quyết hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Hai là thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế là động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm với người dân làm trung tâm và “không bỏ ai ở lại phía sau".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam luôn ủng hộ các khuôn khổ hợp tác khu vực và đa phương dựa trên luật lệ, đóng góp cho hoà bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam đang nỗ lực đóng góp vào tiếng nói của Phương Nam, vì một thế giới công bằng, rộng mở, cùng phồn vinh và hạnh phúc.

Ấn Độ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói của Nam bán cầu” trong 2 ngày 12/1 và 13/1. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến, để tập hợp các quốc gia ở phía Nam bán cầu và cùng chia sẻ quan điểm về một nền tảng chung. Hội nghị được tổ chức với chủ đề “Sự thống nhất của tiếng nói và sự thống nhất của mục đích”, thu hút sự tham dự của hơn 120 quốc gia khách mời. Hội nghị gồm 10 phiên họp, trong đó Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì 2 phiên ở cấp nguyên thủ quốc gia. 8 phiên họp khác sẽ diễn ra ở cấp Bộ trưởng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác