(VOV5) - Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu riêng nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ đạt trên 3,3 tỷ USD.
Chiều nay (9/11), tại Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt Đoàn đại biểu 100 nghệ nhân nhân dân, thợ giỏi ưu tú, tiêu biểu trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tham dự Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 tại Hà Nội.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ trân trọng những đóng góp, cống hiến của những nghệ nhân, thợ giỏi, những người được coi là hồn cốt của làng nghề, báu vật sống của địa phương và quốc gia.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các đại biểu tại buổi gặp mặt.
Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Nhấn mạnh thủ công mỹ nghệ là 1/12 ngành công nghiệp văn hóa cần ưu tiên phát triển, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lưu ý: "Đối với thủ công mỹ nghệ, bản sắc độc đáo, hàm lượng văn hóa, nghệ thuật cao là yếu tố quyết định cho các sản phẩm tồn tại và phát triển. Hàng thủ công phải đẹp, phải tinh xảo, nhưng phải bền, có giá trị sử dụng, có giá trị trang trí. Mỗi sản phẩm phải là một câu chuyện của đời sống với nhiều cảm xúc. Tôi cho rằng đây là mục tiêu rất quan trọng mà chúng ta phải hướng đến. Làm thương hiệu xét cho cùng phải kể câu chuyện cho hay. Vì thế tôi mong các nghệ nhân, thợ giỏi kiên trì với con đường nghệ thuật, nghệ thuật hóa các sản phẩm của mình, đưa văn hóa trở thành hồn cốt của các sản phẩm."
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện, cả nước có khoảng 2030 làng nghề và làng nghề truyền thống, trong đó có trên 2100 nghệ nhân, thợ giỏi, nắm vững kiến thức nghề, phát huy sức sáng tạo, truyền nghề từ thế hệ này qua thế hệ khác, tạo các giá trị nghệ thuật, mang lại giá trị kinh tế cao, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu riêng nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ đạt trên 3,3 tỷ USD.