Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

(VOV5) - Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13, hôm nay (11/10), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại biểu Quốc hội khóa 13 và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3. 


Phát biểu tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những ý kiến tâm huyết và đầy trách nhiệm của cử tri. Giải đáp boăn khoăn của cử tri về xây dựng Chính quyền đô thị, Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước đã có nghiên cứu xem xét, nhưng về mặt luật pháp cần phải có thời gian, trước hết phải thông qua Hiến pháp sửa đổi làm cơ sở để ban hành các luật và hướng dẫn để triển khai trong thời gian tới.


Về  thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước hoan nghênh Thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý nhanh, nghiêm khắc đối với vụ việc tại các công ty công ích tạo niềm tin cho cử tri. Đây cũng là kinh nghiệm cho các địa phương và cả trung ương. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Luật đã ban hành rất nhiều không thiếu, nếu cần sửa đổi bổ sung, cái chính là thiếu hành động cần sự chung tay của cả cộng đồng vào việc phát hiện đấu tranh với tham nhũng”. 


Về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, Chủ tịch nước cho rằng nguyên tắc xử lý phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nói riêng cũng như cả nước nói chung đều sẵn sàng tiếp nhận phản ánh, khiếu nại của người dân và giám sát đối với việc giải quyết của các cơ quan thẩm quyền.


Đề cập Quốc hội cần phải giám sát giáo dục, Chủ tịch nước khẳng định đây là vấn đề rất lớn. Bên cạnh những thành tựu thì cũng bộc lộ những nhược điểm, chính vì thế Nghị quyết về Đổi mới căn bản nền giáo dục vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 đã thể hiện sự quyết tâm Đảng. Từ chủ trương này sắp tới sẽ có giải pháp tiếp theo để nâng cao chất lượng của nền giáo dục nước nhà.


Về phục hồi phát triển kinh tế chậm, Chủ tịch nước cho rằng trong hơn 2 năm qua tình hình rất khó nên từ mục tiêu tăng trưởng nhanh đã chuyển sang tăng trưởng bền vững, với các giải pháp đưa ra chúng ta đã đạt được một số kết quả trong đó đã kìm chế được lạm phát. Tuy nhiên, xuất hiện mặt trái là nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, sản xuất đình đốn, hàng tồn kho nhiều. Đây chính là thách thức cần phải giải quyết trong những năm còn lại của kế hoạch 5 năm./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác