Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp các Đại sứ trình Quốc thư

(VOV5) - Sáng nay, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp các địa sứ trình Quốc thư nhân dịp được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Việt Nam.


Tiếp Đại sứ Maroc Azzeddine Farhane, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng trên cương vị mới, Đại sứ sẽ có nhiều đóng góp tích cực nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Chủ tịch nước đề nghị Maroc ủng hộ ứng cử viên của Việt Nam vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017 - 2021. Đồng thời tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và thúc đẩy cơ chế hợp tác 3 bên. Tiếp Đại sứ Nhật Bản Kunio Umeda, Chủ tịch nước Trần Đại Quang  khẳng định chủ trương nhất quán trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài. Chủ tịch nước tin tưởng với kinh nghiệm của mình Đại sứ sẽ phát huy hiệu quả vai trò là người kiến nghị chính sách và cầu nối quan trọng. Qua đó góp phần đưa quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển trên mọi lĩnh vực, đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia và nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.  


Tiếp Đại sứ Serbia Slobodan Marinkovic, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Serbia. Trên cơ sở quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp, chủ tịch nước đề nghị Serbia ủng hộ ứng viên của Việt Nam ứng cử Tổng giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021. Chủ tịch nước tin tưởng  Đại sứ Slobodan Marinkovic trong nhiệm kỳ của mình sẽ có những đóng góp tích cực vào việc tiếp tục phát huy quan hệ truyền thống tốt đẹp vốn có giữa Việt Nam và Serbia. Tiếp Đại sứ Tajikistan Pa-rơ-vít Đáp-lát-dô-đa, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Tajikistan trong lĩnh vực thủy điện, kinh tế - thương mại, xuất khẩu sang Tajikistan các mặt hàng thế mạnh của Viêt Nam như sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, vật liệu xây dựng và hàng may măc, giày dép cũng như nhập khẩu từ Tajikistan sản phẩm bông, tơ tằm... Để thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại, Chủ tịch nước đề nghị hai bên khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để các địa phương và doanh nghiệp hai nước tăng cường các kênh trao đổi trực tiếp, cập nhật thông tin về chính sách, thị trường...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp các Đại sứ trình Quốc thư - ảnh 1
Chủ tịch nước tiếp Đại sứ Estonia (TTtinvov)



Tiếp Đại sứ Litva I-na-ma Chi-ư Li-ô-nít, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Litva và  mong rằng trong thời gian tới hai bên quan tâm, tiến hành trao đổi đoàn cấp cao, cũng như tham vấn trực tiếp giữa các Bộ, ngành, để tìm kiếm các biện pháp tăng cường quan hệ giữa hai nước. Trên cơ sở quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp, Chủ tịch nước đề nghị Litva tiếp tục ủng hộ Việt Nam, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - EU. Chủ tịch nước tin tưởng bà Đại sứ I-na-ma Chi-ư Li-ô-nít trong nhiệm kỳ cùa mình sẽ có những đóng góp tích cực vào việc tiếp tục phát huy quan hệ truyền thống tốt đẹp vốn có giữa Việt Nam và Liava.  Đồng thời mở rộng và đưa các mối quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực đi vào chiều sâu, vì những lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước.


Tiếp Đại sứ Đại sứ Fiji I-si-ke-li Ma-tai-to-ga, Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam luôn quan tâm theo dõi tình hình Fiji và các nước Nam Thái Binh Dương. Chủ tịch nước mong muốn thời gian tới hai bên đẩy mạnh trao đổi đoàn cấp cao, các cấp, và giao lưu nhân dân. Đồng thời thiết lập các cơ chế hợp tác và đàm phán, tiến tới ký kết các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, hợp tác kỹ thuật.  Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm với Fiji về phát triển nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực; hợp tác nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản; xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển du lịch và y tế.  


Chiều 9/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp các đại sứ trình Quốc thư nhân dịp được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Việt Nam. Tiếp Đại sứ  Cộng hòa Mauritius Issop Patel, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Mauritis ủng hộ ứng cử viên của Việt Nam vào các vị trí Tổng Giám đốc UNESCO (2017 - 2021), ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đánh giá cao quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Mauritius, Chủ tịch nước đề nghị thời gian tới hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kinh tế và phát triển đất nước. Đồng thời sớm hoàn tất đàm phán và ký kết các văn kiện hợp tác như Hiệp định, tránh đánh thuế hai lần, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, vận tải hàng không… để tạo khung pháp lý cho hợp tác song phương.


Tiếp Đại sứ Bồ Đào Nha Francisco Assis Morais E Cunha Vazpato, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam coi trọng và chủ trương tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Bồ Đào Nha, đồng thời đề nghị Bồ Đào Nha ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; tiếp tục ủng hộ Việt Nam sớm ký chính thức và triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA) và công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại hai nước.


Tiếp Đại sứ Estonia Marten Kokk, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng quan hệ kinh tế - thương mại song phương giữa hai nước cũng còn ở mức thấp khoảng 44 triệu đô la Mỹ. Để nâng cao hơn nữa kim ngạch song phương cũng như hợp tác đầu tư, thương mại, Chủ tịch nước đề nghị hai bên tăng cường trao đổi, giao lưu doanh nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường của nhau. Chủ tịch nước đề nghị Estonia ủng hộ và thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; khẳng định Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối hỗ trợ Estonia tăng cường quan hệ với các nước ASEAN.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác