(VOV5)- Việc thực hiện các quy định của Công ước sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi có lại.
Mở đầu phiên họp sáng nay của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Tờ trình khẳng định Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13/12/2006, là Công ước quốc tế toàn diện nhất về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Việt Nam đã ký Công ước ngày 22/10/2007. Việc phê chuẩn Công ước này là bước hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên Công ước. "Việc phê chuẩn Công ước vào thời điểm hiện nay của Nhà nước Việt Nam là rất quan trọng, nhằm thực hiện đúng cam kết của quốc gia, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền và trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về nhân quyền. Việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật sẽ là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. Đây cũng là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực người khuyết tật nói riêng và nhân quyền nói chung, có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016."
Khi phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật, Chính phủ kiến nghị không bảo lưu điều khoản nào của Công ước.
Về Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, Tờ trình của Chủ tịch nước khẳng định Công ước là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người, thể hiện ý chí của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn bạo vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội. Khi phê chuẩn Công ước, Chính phủ kiến nghị Việt Nam bảo lưu đối với quy định tại điều 20 và khoản 1 điều 30. Về Tuyên bố, Chủ tịch nước nêu rõ: "Việt Nam tuyên bố không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Việc thực hiện các quy định của Công ước sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi có lại. Việt Nam cũng không coi Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ như quy định tại khoản 2 điều 8 của Công ước. Việc dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở các Hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoăc nguyên tắc có đi có lại."
Cũng trong sáng nay, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Trả lời phóng viên Đài TNVN bên lề phiên họp Quốc hội sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam nhanh hơn. Phó Thủ tướng cho biết hiện nay, cùng lúc Việt Nam đàm phán nhiều hiệp định thương mại, quan trọng nhất là các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU, Nhật và đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Những hiệp định này khi được ký kết trong thời gian tới sẽ mở ra cơ hội rất nhiều, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch nhưng cũng tạo ra thách thức của nền kinh tế trong nước, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế nhanh và hiệu quả hơn. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng: "Trong quá trình đàm phán cần cố gắng làm sao đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp trong nước. Khi đảm bảo được rồi, chúng ta sẽ mở ra các cơ hội để họ cần. Hiện nay Việt Nam đang đàm phán theo hướng các bên cùng trao đổi trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nhau"./.