(VOV5) - Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết tỷ lệ nợ công năm 2010 là 50%, năm 2015 là 62,5%.
Ngày 09/06, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận các báo cáo của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội. Tại phiên làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp này, kinh tế vẫn là nội dung nhận được nhiều góp ý của các đại biểu. Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư an sinh xã hội, giảm nghèo, chống tham nhũng, lãng phí. Phiên họp có sự tham gia giải trình của một số Bộ trưởng, trưởng ngành về những nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đại biểu Quốc hội thảo luận trên Hội trường. Ảnh: VOV |
Bàn về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, nhiều đại biểu ủng hộ Chính phủ tiếp tục mục tiêu đề ra cho năm 2017. Các đại biểu cho rằng Chính phủ cũng cần phát huy những điểm sáng đã đạt được thời gian qua. Đó là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính và hình thành các tổ công tác để khai thông các điểm nghẽn về chính sách. Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: “Mặc dù nợ công hiên nay ở mức sát trần nhưng Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và cải thiện được mức thu nhập của cán bộ, viên chức, mức lương cán bộ hưu trí. Đó là sự nỗ lực lớn và đây là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam đã kiểm soát tốt lạm phát, ổn định tỷ giá. Cán cân thanh toán vãng lai tiếp tục được thặng dư 5 năm liền, góp phần tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Điểm nhấn quan trọng nữa là trong quá trình xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, Việt Nam vẫn đảm bảo sự an toàn cho hệ thống ngân hàng. Hiện nay số dư tiền gửi của tổ chức và cá nhân gửi vào ngân hàng là hơn 6 triệu tỷ đồng, gấp 1,2 lần GDP”.
Tại phiên họp, khẳng định quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2071, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là năm bản lề quan trọng để tạo tiền đề cho các năm tiếp theo và có thể đạt được mục tiêu đề ra cho kế hoạch 5 năm. Thứ 2 là nhu cầu của Việt Nam cũng phải phát triển nhanh để không tụt hậu. Thứ 3 là tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển cho các giai đoạn sau cũng như duy trì sự ổn định các cân đối lớn như nợ công, thu ngân sách, tạo việc làm, chi cho an sinh xã hội, phát triển bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 là mục tiêu cao nhưng hoàn toàn có cơ sở để phấn đấu với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp: “Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24 để cụ thể hóa cho các bộ, ngành và từ đó các bộ, ngành sẽ xây dựng các kịch bản cũng như mục tiêu tăng trưởng cho từng lĩnh vực. Theo đó có 2 nhóm giải pháp cơ bản. Thứ nhất, trong dài hạn là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế cũng như tăng năng suất lao động. Về ngắn hạn (có thể thực hiện ngay trong năm 2017) là tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp thúc đẩy các ngành, lĩnh vưc phát triển, đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn”.
Tham gia giải trình về đảm bảo an toàn nợ công, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết tỷ lệ nợ công năm 2010 là 50%, năm 2015 là 62,5%. Trước tình hình như vậy, Việt Nam đã ban hành nghị quyết 07 về tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công: “Trong 2016, 2017, vấn đề nợ công đã được kiểm soát thông qua việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài. Nếu 2013 phát hành kỳ hạn trái phiếu Chính phủ bình quân 3 năm thì năm 2016, kỳ hạn là trên 8 năm. Đây là kết quả rất tốt và đã đẩy được đỉnh nợ. Điều thứ 2 rất quan trọng là toàn bộ khoản vay của giai đoạn 2011,2013 với lãi suất rất cao thì vừa qua đã phát hành, đảo nợ được hết với lãi suất trên 6%. Như vậy quá trình tái nợ công thời gian qua rất tốt”.
Hiện nay, Bộ tài chính đang triển khai quyết liệt cơ cấu lại nguồn thu đồng thời tập trung siết chặt chi tiêu thường xuyên. Bộ trình Chính phủ ban hành quyết định tinh giản bộ máy, các giải pháp về khoán chi, quy định chế độ xe công. Tiến hành đồng bộ các giải pháp này thì sẽ đạt hiệu quả đảm bảo an toàn nợ công.