Củng cố phát triển toàn diện quan hệ Việt Nam – Belarus

(VOV5) -  Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Cộng hòa Belarus Alexander Lukashenko thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 8-9/12. Trong thời gian ở thăm Việt Nam, Tổng thống Lukashenko hội đàm với Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, hội kiến Tổng Bí thư  Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Tổng thống Lukashenko đã đến đặt vòng hoa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.


Củng cố phát triển toàn diện quan hệ Việt Nam – Belarus  - ảnh 1
Củng cố phát triển toàn diện quan hệ Việt Nam – Belarus


Nhân dịp này, hai nước ra tuyên bố chung, trong đó nhất trí tăng cường tiếp xúc cấp cao, thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp giữa Chính phủ, Quốc hội, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội hai nước, duy trì các cơ chế tham vấn nhằm xây dựng quan hệ chính trị tin cậy, làm nền tảng để phát triển hợp tác trên các lĩnh vực khác. Hai Bên khẳng định tiềm năng to lớn và nhất trí phát triển hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư cũng như thúc đẩy những cơ hội mới qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Phía Belarus đánh giá cao việc phía Việt Nam miễn thị thực cho công dân Belarus nhập cảnh Việt Nam ngắn hạn từ ngày 01/7/2015, cho rằng điều này sẽ tác động tích cực đến việc phát triển giao lưu, hợp tác giữa hai nước. Phía Việt Nam mong phía Belarus tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho công dân Việt Nam nhập cảnh Belarus.

Phía Việt Nam đánh giá cao việc phía Belarus tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và lao động ổn định, hợp pháp tại Belarus, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Hai Bên đánh giá cao kết quả hợp tác thời gian qua giữa Việt Nam và Belarus tại các diễn đàn đa phương, khẳng định sẵn sàng hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết và các diễn đàn quốc tế khác, cùng nỗ lực vì mục tiêu thúc đẩy xây dựng trật tự chính trị và kinh tế quốc tế hợp lý và công bằng.

Hai bên ủng hộ giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, trong đó có tranh chấp tại Biển Đông, bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm bảo đảm an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác