(VOV5) - Chính phủ đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp, nền tảng công nghiệp cơ khí, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, phát triển kinh tế số.
Bắt đầu từ hôm nay, Quốc hội dành 2 ngày làm việc để thảo luận toàn thể tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự. Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao chủ trương, chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ban hành rất kịp thời, đủ mạnh, đúng hướng, có hiệu quả trên thực tế. Việc tổ chức thành công SEA Games 31 cho thấy Việt Nam đã tự tin mở cửa với thế giới sau đại dịch COVID - 19. Các đại biểu cũng đưa ra những phân tích toàn diện, kiến nghị nhiều giải pháp để kinh tế phục hồi vững chắc.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: "Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến hai biến số quan trọng là giá xăng dầu và giá lương thực.
Trước mắt cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là xăng dầu. Bên cạnh đó hỗ trợ giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng cường công tác kiểm soát giá, chống đầu cơ, khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đại biểu cũng cho rằng Chính phủ đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp, nền tảng công nghiệp cơ khí, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, phát triển kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành nông nghiệp. Đây là thế mạnh của Việt Nam khi các nước trên thế giới đang bị khủng hoảng lương thực.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo thuận lợi để kiềm chế lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường vốn, thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế đất nước, đại biểu Phan Thái Bình, đoàn Quảng Nam, cho biết hai thị trường này có sự phát triển đáng ghi nhận trong những năm qua. Tuy nhiên, để đảm bảo các thị trường này phát triển ổn định, lành mạnh, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, về thuế, trong đó quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường đúng theo quy định của Luật Đất đai. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế quy định rõ các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản nhằm góp phần đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.