Dự thảo Luật Nhà giáo: Cách tiếp cận mới, tác động lớn đến sự phát triển nguồn nhân lực đất nước

(VOV5) - Các đại biểu đề xuất chính sách đặc thù, hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành giáo dục.

Hôm nay (20/11), ngày làm việc đầu tiên của Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp nhấn mạnh phiên họp thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo diễn ra đúng ngày Nhà giáo Việt Nam, là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc.

Dự thảo Luật Nhà giáo: Cách tiếp cận mới, tác động lớn đến sự phát triển nguồn nhân lực đất nước - ảnh 1Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên họp, các ý kiến đại biểu quốc hội đều bày tỏ thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, nhằm thể chế hóa, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Việc xây dựng và ban hành một đạo luật riêng về Nhà giáo cho thấy cách tiếp cận mới, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo,  những người làm việc trong lĩnh vực nghề nghiệp có tính đặc thù và có tác động lớn đến sự phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, phát triển con người, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn mới. 

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, đại biểu Quốc hội đoàn Vĩnh Long, cho rằng: “Tôi thống nhất rất cao với Dự thảo Luật Nhà giáo vì đã thể hiện đúng quan điểm coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đáp ứng yêu cầu giáo dục và định hướng phát triển đất nước trong tương lai. Thứ hai, về những điểm mới trong dự thảo luật thì có thể thấy là quyền và nghĩa vụ của Nhà giáo thì cũng được quy định rất rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống. Nhà giáo với sứ mệnh cao hơn, trọng trách lớn hơn, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực đất nước. Tôi tin tưởng dự thảo luật sẽ góp phần nâng cao vị thế vai trò bản lĩnh và sự cống hiến của nhà giáo hướng tới sự phát triển bền vững của giáo dục.”

Các đại biểu cũng đề xuất chính sách đặc thù, hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành giáo dục; quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên ở những vùng khó khăn. Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, nêu ý kiến:   “Việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên, khiến chính sách khó thực thi đồng bộ, đặc biệt ở vùng ở các vùng khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này. Tôi đề nghị cần xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương.”

Dự thảo Luật Nhà giáo lần đầu tiên trình Quốc hội, có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại các Luật liên quan, như về chính sách tiền lương, tuổi nghỉ hưu, chính sách đối với nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù...

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác