(VOV5) -Sáng 24/5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và thảo luận về dự thảo luật này.
Việc xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) ở thời điểm hiện nay nhằm mục đích tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cho cơ quan quản lý thuế thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế; quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế theo quy định pháp luật, tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. - Ảnh quochoi.vn |
Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu cho rằng dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã quy định rõ hơn về quyền hạn, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan theo hướng phối hợp thực hiện quản lý thuế theo chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành.
Đại biểu Trần Văn Tiến, tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng: "Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và cụ thể hóa các điều khoản ngay trong luật để bảo đảm tính công khai, minh bạch, cụ thể của dự thảo luật. Luật này quy định quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước. Quy định như thế này chưa bao quát hết nội hàm của dự án luật, thiếu phần nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế."
Việc sửa đổi Luật Quản lý thuế vào thời điểm này rất phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia, khu vực và toàn cầu. Dự thảo Luật đã có nhiều điều, khoản sát hơn với thông lệ quốc tế, và rà soát, cập nhật 70 Nghị định thuế song phương theo hướng đa phương, giúp Việt Nam hướng tới khuôn khổ hiệp định thuế tiêu chuẩn quốc tế.