(VOV5) - Bên lề Hội nghị Cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin và Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên Thủ tướng Thái Lan Sihasak Phuangketkeow.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Trưởng đoàn dự hội nghị. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN) |
Trong trao đổi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với các thành viên và các nước đối tác nhằm triển khai một cách hiệu quả các định hướng, chiến lược và dự án của Ủy hội, trong đó có việc thúc đẩy dự án nghiên cứu của Ủy hội về quản lý và phát triển bền vững sông Mê Công bao gồm những tác động của các công trình thuỷ điện trên dòng chính; thúc đẩy việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiệp định Mê Công năm 1995 và thủ tục của Ủy hội. Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi, ký kết Chương trình hành động triển khai Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam-Thái Lan khi điều kiện thích hợp; mong muốn Thái Lan tiếp tục phát huy vai trò Nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối thoại về các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. Đánh giá cao vai trò và vị thế Myanmar trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2014, Thủ tướng khẳng định sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ diễn ra vào tháng 5/2014 tại Myanmar.
Lãnh đạo các nước đều đánh giá cao việc Việt Nam chủ trì thành công Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế, trong đó có việc thông qua Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều nội dung quan trọng. Tuyên bố nêu rõ: Lãnh đạo Chính phủ Vương quốc Campuchia, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Thái Lan và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của Lưu vực sông Mê Công và tiếp tục khẳng định cam kết chính trị trong việc thực hiện Hiệp định Mê Công năm 1995 và củng cố tinh thần hợp tác Mê Công.
Về những thành tựu đạt được kể từ Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất Uỷ hội sông Mê Công quốc tế, Lãnh đạo các nước đánh giá cao và ghi nhận công tác chuẩn bị của Uỷ hội cho việc thực hiện quá trình chuyển giao chức năng quản lý lưu vực sông, được đề ra trong một lộ trình cấp vùng và bốn lộ trình quốc gia bao gồm các ưu tiên và các cột mốc thực hiện. Bên cạnh đó, Lãnh đạo các nước cũng cảm ơn các Đối tác phát triển đã tăng cường hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật, giúp bảo đảm hoạt động của các Chương trình Uỷ hội sau năm 2015 và giúp Uỷ hội chuẩn bị cho tự chủ tài chính vào năm 2030.
Về các cơ hội và thách thức của khu vực, Lãnh đạo các nước sẽ xem xét thêm các cơ hội hợp tác mới với các sáng kiến khu vực và quốc tế khác; tìm kiếm thêm các hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ các Đối tác phát triển mới nhằm duy trì và đảm bảo tiếp tục thực hiện các hoạt động quan trọng của Uỷ hội.
Về các lĩnh vực hành động ưu tiên, Lãnh đạo các nước mong muốn Uỷ hội sông Mê Công quốc tế tập trung và ưu tiên thực hiện việc đẩy mạnh tiến độ thực hiện Nghiên cứu của Hội đồng Uỷ hội sông Mê Công quốc tế về “Phát triển và Quản lý bền vững sông Mê Công bao gồm những tác động của các công trình thủy điện dòng chính”, có sự phối hợp với Nghiên cứu do Việt Nam đề xuất để đưa ra các khuyến cáo và các khuyến nghị phù hợp cho phát triển bền vững trong Lưu vực.
Về định hướng tiếp theo, Lãnh đạo các nước tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc tăng cường và đẩy mạnh quan hệ hợp tác của Uỷ hội với các Đối tác Đối thoại, các Đối tác Phát triển, các sáng kiến vùng và quốc tế, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác; kêu gọi sự ủng hộ và hỗ trợ cho Uỷ hội và các Quốc gia thành viên trong thực hiện các dự án và nghiên cứu về phát triển bền vững ở Lưu vực sông Mê Công./.