Hội nghị thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo

(VOV5)- Sáng nay, (22/8), Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam và phổ biến chủ trương, chính sách Dân tộc của Đảng, Nhà nước năm 2013. Tham dự hội nghị có  hơn 200 đại biểu  là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở 24 quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo khái quát về tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tình hình an ninh Biển Đông hiện nay; các chủ trương, giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Dịp này, các đại biểu còn được nghe phổ biến về chủ trương, chính sách Dân tộc của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Haji Ysa Umơ, Trưởng Ban quản trị thánh đường Hồi giáo Muwahidin, Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Hội nghị này rất ý nghĩa. Chúng tôi sẽ dành từ 5 đến 10 phút trong ngày hành lễ để nói lại cho bà con mình hiểu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam cũng như chủ trương, chính sách Dân tộc của Đảng, Nhà nước, để bà con thấy rõ trách nhiệm của mình việc chấp hành chủ trương, trách nhiệm đối với biển, đảo quốc gia. Chúng tôi sẽ vận động bà con tham gia phát triển kinh tế, có điều kiện đóng góp gây quỹ “Vì Trường sa thân yêu, Vì tuyến đầu Tổ quốc”.

Hội nghị thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo - ảnh 1
“Trung Hoa bưu chính dư đồ” (do Tổng cục Bưu chính - Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc tái bản tại Nam Kinh năm 1933 (trích từ bộ sưu tập của Việt kiều Trần Thắng). Ảnh: laodong.com.vn

Cũng trong sáng nay, 22/8, tại thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với  Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khai mạc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử”. Triển lãm đã thu hút  sự quan tâm của rất đông người dân thành phố và du khách tham quan. Triển lãm trưng bày gần 150 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm được sưu tầm từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, thời kỳ Việt Nam khẳng định và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách trọn vẹn trong hòa bình. Các tư liệu được chú thích bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Trung Quốc. Điển hình là phiên bản của các văn bản Hán, Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, 4 cuốn Atlas do nhà nước Trung Quốc xuất bản trong các năm từ 1908 đến 1933…/.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác